Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật, 06:29, Thứ Năm, 06/01/2022 (GMT+7)

 

Lãnh đạo tỉnh đến thăm hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Ảnh: Trần Phước
Lãnh đạo tỉnh đến thăm hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Ảnh: Trần Phước

(VLO) Nếu như những tháng đầu năm 2021, hoạt động của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tương đối sáng, thì từ giữa năm tình hình sản xuất kinh doanh trở nên đình trệ khi dịch COVID-19 bùng phát, tạo những gam màu tương phản trong bức tranh kinh tế chung. Cùng với sự đồng hành, vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước vượt khó và dần phục hồi.

Sản xuất công nghiệp- những gam màu tương phản

Ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, chỉ thị thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và đạt được một số kết quả tích cực.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp trong quý I/2021 có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,71%.

Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong quý I, đã có 61 DN thành lập mới, 1 dự án FDI được cấp phép mới.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 và kéo dài đã trở thành một “lực cản” trong sản xuất toàn ngành công nghiệp. Đặc biệt là quý III/2021, tình hình sản xuất kinh doanh của DN chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.

Có thời điểm, khoảng 80% DN trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoạt động, số còn lại thì hoạt động cầm chừng.

Theo Cục Thống kê, chỉ số IIP quý III giảm 36,77% (quý I tăng 4,71%, quý II tăng 20,55%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô sản xuất lớn nhất toàn ngành đã giảm 5,19%, tác động kéo giảm IIP chung 4,7 điểm phần trăm.

Dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn trong cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Các DN trong các khu công nghiệp, nhất là các DN FDI chịu sức ép lớn từ các đối tác, đơn hàng… chi phí phát sinh để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong dịch bệnh khiến nhiều DN “nặng gánh”.

Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, theo Cục Thống kê, tỉnh triển khai nhiều biện pháp vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, chỉ số IIP tháng 11/2021 tăng 17,43% so với tháng 10/2021. Theo dự đoán, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quý IV/2021 sẽ có kết quả khả quan hơn. Dự báo 2021, chỉ số IIP giảm khoảng 1,2% so 2020.

Đồng hành cùng DN

Doanh nghiệp từng bước thích ứng để sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp từng bước thích ứng để sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Để kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thể hiện sự cam kết của chính quyền các cấp đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, tiến đến sản xuất an toàn, bền vững.

UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi kinh tế, tham mưu UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phục hồi kinh tế trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19; tập trung khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, cơ sở kinh doanh; điều hành kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các phương án thu, chi ngân sách; các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư và xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản; hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng, tìm kiếm thị trường;…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết: Tỉnh đã kịp thời triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo quy định.

Nắm sát tình hình sản xuất của các DN, nhất là DN trong các khu công nghiệp; các DN dễ bị đứt gãy chuỗi sản xuất, chuyền cung ứng nguyên liệu; hỗ trợ DN thực hiện các phương án, mô hình sản xuất phòng chống dịch phù hợp, hỗ trợ DN cắt giảm chi phí sản xuất,… Đồng thời, hỗ trợ DN ngừng hoạt động sớm quay lại sản xuất kinh doanh.

Với định hướng, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” một cách linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế gắn với bảo đảm an sinh và ổn định xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ; tiếp tục đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông vận chuyển hàng hóa thông suốt.

Nhất là việc tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa…

“Tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, cũng như công tác thông tin, giới thiệu danh mục dự án mời gọi đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư.

Đồng thời, thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của DN thông qua các hiệp hội DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự chung tay của DN khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới tình hình kinh tế của tỉnh ta sẽ sớm được khôi phục và hoạt động ổn định trong điều kiện thích ứng an toàn với tình hình dịch bệnh”- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY