Nâng vị thế hạt gạo, tôn vinh giá trị sản phẩm

Cập nhật, 06:20, Thứ Sáu, 07/01/2022 (GMT+7)

 

Đây là dịp tôn vinh, khẳng định những thành quả lao động của nông dân, trí thức, doanh nhân kinh doanh lúa gạo.
Đây là dịp tôn vinh, khẳng định những thành quả lao động của nông dân, trí thức, doanh nhân kinh doanh lúa gạo.

 

(VLO) Không chỉ mang đến cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5- Vĩnh Long còn khẳng định, tôn vinh giá trị lúa gạo, cũng là dịp để sản phẩm địa phương “lên tiếng”. Qua đó, tạo động lực cho cơ sở, doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư, phát triển góp phần đưa hạt gạo Việt Nam và sản phẩm địa phương đi xa hơn trên thị trường quốc tế.

Lễ hội cho lúa gạo Việt Nam

Theo Ban tổ chức, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5- Vĩnh Long năm 2021 vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, vừa góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến ở địa phương và khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.

Không ít cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo bày tỏ, Festival là lễ hội dành riêng cho hạt lúa, hạt gạo Việt Nam và những người yêu thương, gắn bó với hạt lúa, hạt gạo.

Đồng thời, đây là dịp tôn vinh, khẳng định những thành quả lao động không mệt mỏi của nông dân, trí thức, doanh nhân kinh doanh lúa gạo. Từ đó, tạo niềm tin để xây dựng thành công hơn nữa thương hiệu gạo Việt Nam nói chung và gạo Vĩnh Long nói riêng trên thị trường.

Tham gia Festival với loại gạo 2 màu tím- trắng, chị Võ Thị Ngọc- Công ty TNHH Lương thực MS2019 Master Ruma (xã Song Phú- Tam Bình)- tác giả chính cũng là chủ sở hữu loại gạo Song Ngọc độc đáo này, cho biết: Sản phẩm là sự phối trộn của 2 loại giống lúa MS- 2019 Master tím than và MS- 2019 Master Ruma trắng sữa.

Mong muốn của công ty là không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tạo đầu ra ổn định cho người nông dân mà còn nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Năm 2019 trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần IV- Vĩnh Long, sản phẩm đạt giải 3 và 4 cuộc thi gạo ngon thương hiệu gạo Việt.

“Tham gia Festival là cơ hội quảng bá thành quả nghiên cứu của mình và gạo ngon thương hiệu Vĩnh Long đến các tỉnh thành bạn, giúp thương hiệu gạo ngon tỉnh nhà đi xa hơn, có tiếng nói trên thị trường hơn. Qua đây tôi cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường”- chị Ngọc bày tỏ.

Ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương, Phó Ban thường trực Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5- Vĩnh Long, cho biết: Năm nay, dù không tổ chức hội chợ Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL nhưng trong khuôn khổ Festival, ban tổ chức cũng vận động các doanh nghiệp khi tham gia trưng bày thì lồng ghép chào hàng, bày bán.

Do đó, ngoài mặt hàng lúa gạo ra thì còn có nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương,…

Các sản phẩm trưng bày tại Festival đều được đảm bảo chất lượng, mang nguồn gốc đặc trưng của từng địa phương. Qua đó, kích cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tiếp cận khách hàng- đảm bảo an toàn phòng dịch

Festival góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo.
Festival góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo.

Với nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khiến thị trường tiêu thụ, tiếp cận khách hàng gặp nhiều khó khăn hơn thì Festival được xem là cơ hội để doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Với quyết tâm “thích ứng, linh hoạt, sống chung an toàn với dịch bệnh” nên doanh nghiệp vẫn chủ động tham gia.

Qua đó có thể nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng, người tiêu dùng để cải tiến, nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm mới, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, còn giúp doanh nghiệp tìm giải pháp trong việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm.

Đem đến Festival là 12 loại sản phẩm chính để quảng bá, chị Nguyễn Thị Trúc Linh- Chủ cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh (xã Tân Phú- Tam Bình), cho hay: Hiện nay, dịch bệnh tuy vẫn còn nhưng nếu giậm chân tại chỗ, “trốn tránh” thì doanh nghiệp rất khó tồn tại và phát triển. Do đó, tham gia Festival lần này, doanh nghiệp đã tích cực chuẩn bị các sản phẩm để tham gia. Doanh nghiệp tin tưởng rằng chất lượng sản phẩm sẽ làm hài lòng người tiêu dùng.

 

Doanh nghiệp mong muốn quảng bá thương hiệu gạo ngon.
Doanh nghiệp mong muốn quảng bá thương hiệu gạo ngon.

“Mục đích chính của doanh nghiệp khi tham gia Festival là muốn khởi động lại sau một thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh, không đặt nặng vấn đề doanh thu mà chủ yếu để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Bên cạnh việc chào hàng, doanh nghiệp cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp khác, “bán sản phẩm mình có và mua sản phẩm mình cần” để tạo chuỗi cung ứng hàng hóa dễ dàng hơn”- chị Linh chia sẻ.

Theo ông Phạm Tứ Phương, Festival lần này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên công tác phòng chống dịch bệnh được đặt ưu tiên hàng đầu.

Ban tổ chức cũng đã đưa ra nhiều nội dung để làm sao đại biểu, doanh nghiệp, khách tham quan đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn.

Theo đó, ngoài thực hiện 5K, test nhanh, kiểm tra người tiêm đủ vắc xin, quét mã QR, còn yêu cầu chỗ đơn vị tổ chức sự kiện chuẩn bị các phòng khử khuẩn đặt ở các cửa ra, vào.

Đồng thời, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành của Sở Công thương bên cạnh giám sát chất lượng hàng hóa thì cũng yêu cầu các khách hàng phải thực hiện giãn cách để đáp ứng yêu cầu 5K.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia Festival lần này bày tỏ mong muốn rằng, cùng với các chuỗi hoạt động, Festival sẽ là cầu nối, giúp kết nối, hỗ trợ tiêu thụ, cùng đưa các sản phẩm tiêu biểu của ngành nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng lên một tầm cao mới, nâng cao vị thế sản phẩm địa phương, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Theo Ban tổ chức, đến nay đã có gần 400 gian hàng tham gia trưng bày các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu. Bên cạnh các gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo, còn có nhiều chủng loại hàng hóa được trưng bày như: máy móc, thiết bị; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; vật tư nông nghiệp; sản phẩm nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao và các lĩnh vực khác. Bên cạnh, Ban tổ chức còn triển lãm con đường lúa gạo. Đây có thể được xem là điểm nhấn, mang ý nghĩa về sự phồn vinh, thịnh vượng, cây lúa, hạt gạo Việt Nam.

 

 

Bài, ảnh: THẢO LY