Trung Quốc chưa nhập khẩu lợn từ Việt Nam

Cập nhật, 10:31, Thứ Bảy, 03/06/2017 (GMT+7)

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết: Đã nhiều lần nông sản, thực phẩm của Việt Nam được thương lái Trung Quốc đang thu mua ồ ạt rồi bỗng dừng không mua…

Sự thật là hầu hết nông dân Việt Nam (VN) nuôi, trồng… đều theo “tin đồn”, qua miệng thương lái, không có ai trực tiếp sang tận nơi khảo sát nhu cầu thực tế của thị trường nước này.

Vì vậy, việc hàng triệu con lợn hơi đang bị ế thừa cũng là hậu quả từ cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp của chính chúng ta.

Một trang trại chăn nuôi lợn quy mô 15.000 con lợn thịt tại Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Thế Anh
Một trang trại chăn nuôi lợn quy mô 15.000 con lợn thịt tại Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Thế Anh

Chưa mở cửa nhập khẩu lợn chính ngạch từ VN

Theo một lãnh đạo Bộ NNPTNT: Từ năm 2014-2015, tại Trung Quốc xảy ra trận rét lịch sử, lũ lụt, dịch bệnh cộng chính quyền nước này yêu cầu đóng cửa và di dời rất nhiều trang trại lợn lớn ra xa khu dân cư, đô thị nên dẫn tới việc thiếu nguồn cung thịt lợn ngắn hạn.

Chính bởi vậy, thương lái Trung Quốc sang tận Việt Nam thu mua lợn với số lượng rất lớn, thậm chí thu mua cả lợn “xách tai” (lợn sữa) nên đẩy giá lợn hơi tại VN có thời lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Thấy nguồn lãi từ chăn nuôi lợn mang lại quá “khủng”, nhiều nông hộ đã ồ ạt mở rộng quy mô, chuồng trại, vay vốn ngân hàng để chăn nuôi.

Ngay các “đại gia” trong các lĩnh vực sắt thép, ximăng, bất động sản… cũng bị nguồn lãi từ chăn nuôi lợn “hút hồn”, cũng nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi ồ ạt tái đàn, đầu tư xây nhà máy cám, nhập khẩu lợn để chăn nuôi với quy mô hàng chục nghìn con/trang trại.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp, trang trại lợn “sinh sau đẻ muộn” chưa kịp thu lại vốn đã bị cú “sốc” khủng hoảng thừa đánh cho sập vốn.

Hàng chục triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị phá sản, những hộ có quy mô từ 10.000 lợn thịt bị “đóng băng” nguồn cung, chấp chới bên bờ vực phá sản.

Thực tế sau gần 2 tháng “giải cứu”, hiện tại tổng đàn lợn đã giảm 2% so với năm 2016, nhưng vẫn ở mức rất cao với khoảng trên 200.000 tấn thịt.

Số lượng lợn thịt bị tồn lại trong chuồng chưa thể bán vẫn ở mức đáng lo ngại, đặc biệt là tại các thủ phủ chăn nuôi như: Đồng Nai, Bình Định, Hà Nội, Hà Nam...

Trung Quốc chỉ nhập thịt mát

Theo Bộ NNPTNT, hiện nay, mặc dù dịch tai xanh đã được khống chế, nhưng để xuất khẩu được thịt lợn sang Trung Quốc, Việt Nam phải công bố các vùng “sạch” an toàn về dịch bệnh có sự chứng nhận của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Đầu tháng 5.2017, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác sang Trung Quốc đàm phán các vấn đề về xuất khẩu/nhập khẩu nông sản giữa hai nước, trong đó có tập trung về vấn đề xuất khẩu thịt lợn.

Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đàm phán để hoàn tất hồ sơ, tiến tới đạt được thỏa thuận chính thức trong việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.

Hiện Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị mọi giấy tờ liên quan để hoàn tất hồ sơ chuyển cho phía Trung Quốc xem xét bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn đối với Việt Nam.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, khi đã xác định xuất khẩu thịt lợn chính ngạch, Việt Nam phải xuất khẩu lợn mảnh cấp đông chứ không thể xuất khẩu lợn nguyên con kiểu tự phát như vừa qua. Khi xuất khẩu lợn mảnh, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với thịt lợn của Brazil, Thái Lan, Canada, Mỹ…

Trong khi giá thành thịt lợn mảnh của các nước trên thế giới chỉ dao động 30.000 - 35.000 đồng/kg thì của ta hiện đang ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg nên phải nỗ lực một quãng khá dài nữa mới có thể cạnh tranh nổi.

“Ngoài xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, để xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang các thị trường khó tính khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga… ngoài chuyện giá thành phải cạnh tranh còn rất nhiều điều kiện khắt khe khác.

Đó là quy định cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng chăn nuôi ăn toàn dịch bệnh, quy trình chăn nuôi khép kín từ khâu thức ăn, kháng sinh, con giống, đến trang trại, giết mổ, chế biến, thậm chí một số quốc gia còn yêu cầu cả phúc lợi động vật” - ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho biết.

Hy vọng là từ năm 2018, khi quy định về cấm nhập kháng sinh, chất tăng trọng phải thay thế bằng các sản phẩm hữu cơ, những trường hợp bị phát hiện nhập kháng sinh hay chất tăng trọng bị cấm là sẽ bị xử lý nghiêm.

Điều đó nhằm đảm bảo tạo sản phẩm lợn không có chất tồn dư độc hại cho sức khỏe con người. Chỉ khi đó, thịt lợn Việt Nam mới có thể cạnh tranh với thịt lợn của các quốc gia khác, có thể xuất khẩu đi nhiều nước với số lượng và giá trị ổn định, lâu dài.

Còn hiện tại, bài toán đầu ra cho ngành chăn nuôi lợn vẫn đang làm điên đầu cả người chăn nuôi lẫn nhà quản lý.

Theo LĐO