Điều kiện tốt cho doanh nghiệp hoạt động và khởi nghiệp

Cập nhật, 05:08, Thứ Sáu, 02/06/2017 (GMT+7)

Mục tiêu của Chính phủ đặt ra theo Nghị quyết 35 là phải phát triển cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp (DN), với chỉ tiêu cụ thể là đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động.

Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5 mới đây đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, được đánh giá tiếp tục sẽ là một bước tiến mới, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế tư nhân, phát triển DN.

Doanh nghiệp được hướng dẫn hồ sơ, quy trình ĐKKD tại cơ quan ĐKKD, hoặc có thể gửi thông tin yêu cầu qua email, ĐKKD trực tuyến.
Doanh nghiệp được hướng dẫn hồ sơ, quy trình ĐKKD tại cơ quan ĐKKD, hoặc có thể gửi thông tin yêu cầu qua email, ĐKKD trực tuyến.

Tại Vĩnh Long, cùng với các chương trình hỗ trợ, phát triển DN, nhiều DN tin tưởng đây là điều kiện và cơ hội tốt để người dân, đặc biệt giới trẻ mạnh dạn làm ăn, phát triển kinh tế
tư nhân.

Môi trường đầu tư kinh doanh đang tốt lên

Ông Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc Công ty CP May Vĩnh Tiến- cho rằng những chủ trương và hành động của Chính phủ đã và đang tạo ra làn gió mới khích lệ các DN đang hoạt động phát triển, bên cạnh tạo môi trường tốt để có thêm nhiều DN thành lập mới.

Cùng với những động thái mạnh mẽ từ cấp Trung ương đến địa phương từng bước hạn chế, xóa bỏ các chi phí không chính thức, kiên quyết tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng… thể hiện sự quan tâm rất lớn đến cộng đồng DN.

Ông Nguyễn Minh Tuệ cho biết, cá nhân ông và nhiều DN khác rất hoan nghênh việc Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 về việc tránh tình trạng kiểm tra, thanh tra chồng chéo của các đơn vị liên ngành, các cơ quan chức năng như công an, thuế, thanh tra…

Chỉ thị “không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng”, theo ông Nguyễn Minh Tuệ là kịp thời và cần thiết vì sẽ giúp cho DN yên tâm sản xuất kinh doanh và làm giàu chính đáng.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho rằng: “Chính phủ đã có những khẩu hiệu và hành động đồng hành cùng DN rõ ràng, để tạo cho DN một niềm tin để phát triển”.

Điều khiến DN vui mừng với Chỉ thị 20- theo lý giải của ông Nguyễn Văn Thành- “là vì thực tế xưa nay trong thanh tra, kiểm tra việc cán bộ nhũng nhiễu DN còn rất nhiều.

Chính phủ chỉ đạo phối hợp thanh- kiểm tra DN 1 lần/năm là tốt. Chớ nay ông này thanh tra, mai ông kia kiểm tra thì DN đâu còn sức kinh doanh”.

Trong lĩnh vực thuế, theo bà Lê Thị Hồng Lĩnh- Phó Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Long, hiện ngành thuế tỉnh đang đề xuất cơ chế khuyến khích hỗ trợ hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập DN, với các giải pháp tuyên truyền lợi ích khi lên DN. Đặc biệt, ngành thuế tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác cải cách thủ tục hành chính về thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.  

Đó không chỉ là điều kiện để DN hoạt động ngày càng mở rộng và phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ hơn.

“Theo tôi, khi mới khởi sự làm ăn có rất nhiều khó khăn, nhất là trong quan hệ giao tiếp với cán bộ, cơ quan nhà nước đối với DN mới còn e ngại.

Cho nên, ngoài chủ trương khuyến khích người dân khởi nghiệp, cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN và các cấp chính quyền phải tích cực cải cách để giúp DN, người dân mạnh dạn ra làm ăn”.

Nhiều DN nhận định hiện nay môi trường kinh doanh ngày càng tốt lên cho hoạt động DN và khởi nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, so với cách nay hơn 20 năm- thời điểm ông bắt đầu khởi nghiệp, thì hiện nay điều kiện làm ăn kinh tế đã tốt hơn rất nhiều.

Điều đó đã tiếp sức cho Phước Thành IV mạnh dạn đầu tư thêm lĩnh vực mới, “bắt đầu thử nghiệm từ kinh doanh sang lĩnh vực dịch vụ” với việc khai trương khách sạn Phước Thành IV tiêu chuẩn 3 sao, vì “lĩnh vực du lịch ở Vĩnh Long và ĐBSCL còn tiềm năng rất lớn”- ông nói.

Hỗ trợ tối đa cho DN

Môi trường đầu tư thuận lợi đang mở ra cơ hội làm ăn, khởi nghiệp cho người dân.
Môi trường đầu tư thuận lợi đang mở ra cơ hội làm ăn, khởi nghiệp cho người dân.

Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Long đặt ra đến năm 2020, trong chương trình hành động thực hiện theo Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN là phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 4.200 DN hoạt động. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.700 DN đang hoạt động.

Như vậy, trung bình mỗi năm phải phấn đấu phát triển thêm khoảng 300 DN. Vì thế, theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, tỉnh đã xác định, nguồn chính để phát triển DN là chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể sang hoạt động theo hình thức DN và số lượng DN đăng ký thành lập mới theo chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.

Song song với đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu để hỗ trợ hiệu quả cho DN trong đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và tập trung vào chất lượng hoạt động của DN.

Và để thực hiện mục tiêu đó, các ngành, địa phương Vĩnh Long sẽ phối hợp đồng bộ, tạo sự thông thoáng, dễ dàng và hỗ trợ tích cực trong các thủ tục, nhất là các thủ tục về đăng ký kinh doanh, thuế,…

Đồng thời thông tin, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời các chính sách, thủ tục cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh thấy lợi ích trong việc cân nhắc chuyển đổi lên DN.

Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) là khâu DN phải “đụng” trước tiên khi bắt đầu khởi sự làm ăn, vì thế ông Nguyễn Bá Nhẫn- Trưởng Phòng ĐKKD (Sở Kế hoạch- Đầu tư) cho biết thời gian qua, ĐKKD đã tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn DN ĐKKD qua email, DN ĐKKD trực tuyến được miễn, giảm lệ phí.

Hồ sơ ĐKKD thay đổi cũng vậy, DN gửi hồ sơ qua email và phòng ĐKKD hướng dẫn cụ thể… tạo thuận lợi tối đa cho DN không phải mất thời gian, chi phí. Cùng với đó, “số điện thoại cơ quan, cá nhân phòng ĐKKD công bố rộng rãi, DN có gì thắc mắc cứ gọi điện bất cứ khi nào”- ông Nhẫn nói, luôn sẵn sàng hỗ trợ DN tối đa.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC