Xét nghiệm nước tiểu có thể chẩn đoán viêm gan C

Cập nhật, 15:46, Thứ Hai, 23/11/2015 (GMT+7)

So với phương pháp xét nghiệm máu gồm hai bước hiện hành, kỹ thuật xét nghiệm nước tiểu vừa được các nhà khoa học Mỹ phát triển đơn giản và ít tốn kém hơn, nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác khi chẩn đoán bệnh viêm gan C.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 130-150 triệu người trên toàn cầu bị nhiễm siêu vi viêm gan C (HCV). Vấn đề là bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương gan và xơ gan.

Để chẩn đoán bệnh, bệnh nhân cần trải qua 2 lần xét nghiệm máu, lần đầu là để kiểm tra dấu hiệu của phản ứng miễn dịch đối với vi-rút (đặc biệt là kháng thể chống viêm gan C), lần sau là để xác định vi-rút đã bị các kháng thể loại bỏ hay vẫn đang hoạt động, tức là cơ thể đã nhiễm bệnh.

Nhưng do phương pháp này khá tốn kém (hơn 200 USD) nên nhiều người, nhất là ở các nước đang phát triển, không chủ động tầm soát và điều trị, để vi-rút tiếp tục lây lan (qua đường tình dục, dùng chung kim tiêm hoặc từ mẹ sang con).

Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm một bước của các chuyên gia thuộc Khoa Y Đại học California-Irvine cho phép nhận diện các kháng thể chống viêm gan C qua nước tiểu. Đó là kỹ thuật xét nghiệm miễn dịch enzyme vốn có thể nhận diện vi-rút viêm gan C trong các chất dịch cơ thể.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp này trên mẫu nước tiểu của 110 tình nguyện viên và so sánh với phương pháp xét nghiệm máu tiêu chuẩn ở 138 người khác. Kết quả cho thấy cả hai phương pháp đều chẩn đoán chính xác trường hợp nhiễm bệnh.

Do quá trình thu thập và xử lý mẫu nước tiểu ít phức tạp và ít tốn kém hơn so với mẫu máu, nên các chuyên gia tin rằng phương pháp tầm soát và chẩn đoán mới này có thể áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.

Theo http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=74&id=171820