Tình cờ phát hiện cách diệt tế bào ung thư khi nghiên cứu bệnh sốt rét

Cập nhật, 07:02, Thứ Bảy, 21/11/2015 (GMT+7)

Nhóm khoa học nghiên cứu Đan Mạch và Canada mới đây công bố tình cờ phát hiện ra một loại protein diệt bệnh ung thư khi đang nghiên cứu phương pháp chống bệnh sốt rét ở phụ nữ mang thai.

Sốt rét là căn bệnh qua đường máu do ký sinh trùng Plasmodium gây ra. Nó được lan truyền qua người do muỗi đốt và theo UNICEF, căn bệnh giết chết khoảng 1 triệu người mỗi năm. Sốt rét đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, vì những ký sinh trùng có thể tấn công nhau thai, mà sau đó khiến cuộc sống của đứa trẻ gặp nguy hiểm.

Do đặc điểm tương tự giữa khối u và nhau thai, việc sử dụng cùng kỹ thuật tiêu diệt bệnh sốt rét ở phụ nữ mang thai cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt các khối u ung thư.

Chuyên gia nghiên cứu về bệnh sốt rét, Giáo sư Ali Salanti thuộc Khoa Miễn dịch và Vi sinh vật (Trường Đại học Copenhagen), cho biết các phân tử carbohydrate từ ký sinh trùng sốt rét có trong nhau thai phụ nữ giống hệt với carbohydrate tìm thấy trong các tế bào ung thư.

Các nhà nghiên cứu đã thêm một độc tố vào loại protein họ đã tạo ra mà protein này ký sinh trùng sốt rét dùng để bám vào nhau thai. Kết quả, các nhà khoa học phát hiện sự kết hợp đã phá hủy lên đến 90% các mẫu ung thư khác nhau. Sự kết hợp này cũng đã được thử nghiệm thành công ở chuột được cấy ghép các loại ung thư ở người.

Mads Daugaard- Trưởng Phòng Thí nghiệm bệnh lý phân tử thuộc Trung tâm Ung thư Vancouver (Canada), cho biết: “Chúng tôi đã tạo ra các protein mà ký sinh trùng sốt rét dùng để bám vào nhau thai, thêm vào đấy 1 loại độc tố. Khi tổ hợp này bị hấp thụ bởi các tế bào ung thư thì độc tố được thải ra, kết quả là tế bào ung thư bị tiêu diệt. Mọi thử nghiệm đều được tiến hành trên chuột đã được nhiễm nhiều loại ung thư khác nhau”.

Hiện Công ty Dược phẩm VAR2 chuyên về công nghệ sinh học đã bắt tay vào việc nghiên cứu những thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trước khi có thể thử nghiệm trên người.

HẢI HUỲNH

(Nguồn: Medical Daily)