Toàn bộ thế giới sẽ dùng năng lượng sạch vào năm 2050

Cập nhật, 18:20, Chủ Nhật, 22/11/2015 (GMT+7)

Trong vài thập kỷ nữa, gần như toàn bộ thế giới của chúng ta sẽ sử dụng nguồn năng lượng sạch và có thể phục hồi.

Gần đây, hai nhà kỹ sư người Mỹ đã công bố một kết quả nghiên cứu giúp dự đoán chính xác mô hình cũng như cấu trúc của quá trình phát triển nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Bản đồ mà hai nhà khoa học cung cấp thể hiện 139 nước trên khắp thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Bản đồ mô tả mỗi nước phải cần có bao nhiêu tua bin gió, khu hóa hợp năng lượng mặt trời, đập thủy điện, cũng như những khu chế tạo năng lượng sạch khác để thỏa mãn nhu cầu sử dụng cho các hộ gia đình, các ngành kinh doanh và công nghiệp, nông nghiệp, cũng như giao thông vận tải trong nước.

Bên cạnh đó, biểu đồ cũng mô tả chi phí mà quốc gia đó phải bỏ ra để xây dựng những khu chế tạo năng lượng sạch này.

Bản đồ cấu trúc năng lượng sạch của thế giới vào năm 2050. The Solutions Project
Bản đồ cấu trúc năng lượng sạch của thế giới vào năm 2050. The Solutions Project

Mục đích của bản đồ nhằm chỉ ra rằng, việc một quốc gia hoạt động 100% dựa trên nguồn năng lượng xanh không phải là một giấc mơ hoang đường. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, cả về mặt kinh tế lẫn khoa học công nghệ.

Việc sử dụng hoàn toàn nguồn năng lượng xanh mang lại nhiều lợi ích cực kì to lớn. Tuy chi phí xây dựng ban đầu khá cao nhưng nó sẽ giúp quốc gia tiết kiệm được một số tiền khổng lồ mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra nhằm điều khiển vận hành những khu năng lượng; cũng như sức khỏe của người dân sẽ được cải thiện đáng kể vì làm giảm bớt ô nhiễm môi trường. 

Nếu toàn bộ 139 nước trong biểu đồ thực hiện kế hoạch cắt giảm cố định lâu dài việc sử dụng các loại năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, than đá và đồng thời, chuyển đổi dần dần sang nguồn năng lượng sạch, thì hoạt động này sẽ tạo ra thêm 24 triệu việc làm trong lĩnh vực xây dựng và 26,5 triệu việc làm trong lĩnh vực vận hành. Mỗi nghề nghiệp sẽ có vòng đời trung bình 35 năm. Điều này sẽ giúp bù đắp cho 28,4 triệu việc làm bị mất đi do cắt giảm ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch.

Sự thay đổi này còn giúp mang lại một bầu không khí trong lành hơn rất nhiều. Các nhà khoa học tính toán trong tương lai, việc sử dụng năng lượng sạch sẽ giúp ngăn chặn từ 3,3 đến 4,6 triệu ca tử vong do ô nhiễm khí quyển gây ra. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã phải chi 3% tổng GDP toàn cầu nhằm ngăn chặn ô nhiễm bầu không khí.

Nếu công nghệ tiếp tục được phát triển và cải tiến với tốc độ liên tục, thì đến giai đoạn 2020 -2021, năng lượng mặt trời sẽ được sản xuất nhiều gấp 3 lần hiện nay. Khi đó, ở những nơi có nhiều nắng như vùng Tây Nam của nước Mỹ, Trung Đông và Úc, lượng điện năng từ năng lượng mặt trời sẽ chỉ có giá 4,5 cent trên mỗi kWh. Trong khi ở những nơi có nắng không thường xuyên như Ấn Độ và Trung Quốc, giá điện mặt trời sẽ đạt mức 6,5 cent mỗi kWh.

Khi so sánh với giá điện tạo ra từ năng lượng hóa thạch, ví dụ như nhiệt điện sản xuất từ hoạt động đốt than sẽ có giá 6,6 đến 15,1 cent mỗi kWh. Chi phí này chưa bao gồm những phí tổn sức khỏe có liên quan đến ô nhiễm môi trường gây ra bởi đốt than.

Nhiều người cố gắng ngăn chặn sự thay đổi bằng cách cho rằng năng lượng xanh có chi phí xây dựng quá cao, không cung cấp đủ năng lượng thỏa mãn nhu cầu sử dụng, nguồn cung không bền vững hoặc chiếm quá nhiều đất xây dựng. Nhưng kết quả từ bản báo cáo này đã chứng minh được những cáo buộc trên hoàn toàn sai lầm.

Bản lịch trình xây dựng kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh nhấn mạnh rằng, các nước nên dừng lại ngay lập tức việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử hay nhiệt điện chạy bằng than đá hoặc khí đốt. Trong vòng 5 năm tiếp theo, các loại tàu thuyền và xe lửa phải chuyển đổi dần dần từ việc sử dụng than đá, dầu lửa sang sử dụng năng lượng điện.

Tuy vẫn còn nhiều sự nghi ngờ, nhưng các nhà khoa học cho rằng, nếu chúng ta thật sự quyết tâm thì không gì là không thể. Việc sử dụng nguồn năng lượng xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn không thể chối cãi. Và đó cũng chính là động lực để các nhà lãnh đạo quốc gia tham gia thực hiện bản kế hoạch này nhằm đem lại những lợi ích lâu dài cho sự phát triển bền vững của thế giới.

Nguồn: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/toan-bo-the-gioi-se-dung-nang-luong-sach-vao-nam-2050-c7a372050.html