Đại hội X: Cần đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách TTHC

Cập nhật, 12:50, Thứ Năm, 20/08/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trong hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015- 2020) do UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức, phóng viên Báo Vĩnh Long đã lược ghi một số ý kiến đóng góp.

* Bà Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT

Qua nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị, bản thân có một số đóng góp gợi ý sau. Thứ nhất về chủ đề đại hội, dự thảo ghi “Phát huy sức mạnh đoàn kết và trí tuệ toàn dân, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phấn đấu đến năm 2020 Vĩnh Long thành tỉnh khá trong khu vực”. Theo tôi, việc sử dụng từ “tỉnh khá” nghe có vẻ trừu tượng. Chủ đề thường hướng đến việc nâng cao mức sống người dân, nên theo tôi là: “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đoàn kết và phát huy trí tuệ toàn dân, phấn đấu đến năm 2020 Vĩnh Long đời sống nhân dân đạt mức khá trong khu vực”.

Đóng góp phương hướng thời gian tới, do Vĩnh Long là một tỉnh nông nghiệp nên mọi sự đột phá từ đào tạo nguồn lực, công nghệ chế biến, xuất khẩu… nên dành phục vụ phát triển nông nghiệp, bảo vệ và xử lý đầu ra sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, nếu xem phát triển và phát huy nguồn nhân lực là khâu đột phá thì phải gắn với phát triển ngành nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh để giải quyết việc làm cho lực lượng trẻ qua đào tạo, hạn chế tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không tìm được việc làm. Tỉnh cũng không nên quá tham vọng với nông nghiệp công nghệ cao mà nên đầu tư từng bước vững chắc và có chiều sâu, nếu không sẽ xử lý nguồn lao động qua đào tạo không theo kịp tiến độ.

Về các chỉ tiêu, đối với chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tăng bình quân 7,5% là hợp lý, vừa phải chưa mang tính đột phá trong khi GDP bình quân đầu người dự kiến 3.200 USD là khá cao. Giữa 2 chỉ tiêu này phải có sự điều chỉnh cân đối cho phù hợp và không mâu thuẫn nhau. Theo tôi nên là GDP tăng 8%, bình quân đầu người
3.000 USD.

* Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh- Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh

Qua nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị của tỉnh có tất cả 22 chỉ tiêu, trong đó tôi quan tâm nhiều đến chỉ tiêu nước sạch nông thôn. Chỉ tiêu đưa ra đến cuối nhiệm kỳ có 90% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch sử dụng, tôi nghĩ rằng đa số người dân của mình sống ở vùng nông thôn và đứng ở góc độ người dân tôi thấy rất mừng. Chúng tôi đặt niềm tin và hy vọng vào sự thực hiện nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới cố gắng làm như thế nào để có lộ trình thực hiện cho bằng được. Bởi vì, thực tế hiện nay người dân nông thôn rất có nhu cầu sử dụng nước sạch. Nếu làm được như vậy thì sức khỏe của người dân sẽ được tốt hơn, chất lượng cuộc sống sẽ cao hơn.

* Ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh

Theo tôi, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh cần tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, tỉnh ta cũng có xây dựng đề tài tương đối nhiều nhưng chưa thiết thực, chưa gần gũi với sản xuất và đời sống nên chưa tạo được sự chuyển mình trên tất cả các mặt của đời sống. Tới đây, nếu muốn tạo một sự chuyển biến về nghiên cứu khoa học, Tỉnh ủy phải định hướng nghiên cứu khoa học nên đi hướng nào cho thiết thực đối với định hướng phát triển của tỉnh, không nên để các nhà khoa học, các viện, trường tự đăng ký sẽ không phù hợp và không sát với tình hình thực tế của địa phương mình.

Thứ hai là kinh phí nên tập trung cho việc chuyển giao, ứng dụng- đây là vấn đề quan trọng. Đã qua, mình thiếu tổ chức thực hiện vấn đề này, do khi có đề tài khoa học nhưng thiếu kinh phí nên khi làm xong rồi lại cất trong tủ để đó. Ngoài ra, để có những đề tài phong phú và tốt thì phải huy động nguồn lực của tất cả các trường, các viện, đội ngũ trí thức trong tỉnh để nghiên cứu trên cơ sở định hướng của tỉnh.

* Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh

Đóng góp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010- 2015), thực tế cho thấy GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh tương đối nhỏ nhưng có những đơn vị kinh doanh dịch vụ cá biệt có tỷ trọng đóng góp lớn cho địa phương đã ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu kinh tế. Vì thế, cần có đánh giá thận trọng hơn về tỷ lệ đóng góp và năng lực thực sự của khu vực công nghiệp- xây dựng. Đối với chương trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011- 2015, vì đây là chương trình mục tiêu quốc gia nên cần có tổng kết số liệu cụ thể, cần phân biệt đánh giá chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội và nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của hệ thống chính trị và các ngành.

Về phương hướng, trong đánh giá khó khăn thách thức, cần đánh giá cụ thể hơn sự yếu kém của nền kinh tế Vĩnh Long và nguy cơ tụt hậu so với cả nước. Theo tôi chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nên duy trì trên 10%/năm. Về khâu đột phá, tôi nghĩ cần phải thêm khâu đột phá là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ngoài ra, phải duy trì chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) ở mức cao trong khu vực. Song song đó, cần định hướng thúc đẩy vai trò của việc hợp tác chiến lược kinh tế, văn hóa xã hội với các tỉnh thành trong cả nước, ĐBSCL đặc biệt là TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Việc đẩy mạnh tái cơ cấu trong nông nghiệp cần chú trọng đến việc nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, ngoài những nhiệm vụ giải pháp, cần nâng cao vai trò xây dựng thương hiệu và ổn định đầu ra cho nông sản làm cơ sở cho các đề án sau đại hội.

THANH TÂM (ghi)