Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- những việc làm hay

Kỳ 4: Để đảng viên không còn nghèo

Cập nhật, 06:39, Thứ Tư, 16/12/2015 (GMT+7)

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, nhiều năm qua huyện Tam Bình đã quyết tâm chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực thực hiện. Trong đó, phải kể đến Đề án xóa nghèo trong đảng viên (ĐV) đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, Đảng bộ huyện chỉ còn có 2 ĐV nghèo.

New Folder.zip

Anh Nguyễn Thanh Triều khoe vườn cam đang cho trái.

“ĐV đi trước, làng nước theo sau”

Trên con đường đan ngoằn ngoèo của ấp Mỹ Trung 2 (xã Mỹ Thạnh Trung), chúng tôi đến nhà của tấm gương ĐV vượt khó vươn lên- anh Nguyễn Thanh Triều. “Tôi cưới vợ, ra riêng với 3.000m2 vườn tạp. Dù rất chí thú làm ăn nhưng cái nghèo cứ đeo bám mãi. Sau khi được Huyện ủy cho mượn 15 triệu đồng, tôi xây chuồng mua bò về nuôi. Nhờ mô hình này mà nay tôi đã hoàn vốn lại mà còn thoát được nghèo. Hai vợ chồng tôi mừng lắm”- anh Thanh Triều chia sẻ.

Không khó để tìm được căn nhà khang trang nằm cạnh QL1 của chú Diệp Văn Hiếu (ấp Phú An, xã Phú Thịnh). Chú phấn khởi tâm sự: “Hồi trước, nhà tôi nghèo lắm, con đang trong độ tuổi đi học, tôi là lao động chính trong nhà nên ngoài công việc đồng áng, ai thuê gì làm nấy. Tôi có vay Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT để chăn nuôi heo nhưng do heo bị dịch bệnh chết nên trắng tay, buộc phải cầm cố 5 công đất để trả nợ ngân hàng, gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Sau khi được biết Huyện ủy có cho mượn vốn để làm ăn, tôi mạnh dạn lập đề án xin mượn 20 triệu để chuộc lại đất, vừa canh tác, vừa chăn nuôi, lấy công ra làm lời. Năm 2009, không những hoàn trả vốn mà còn dành dụm mua thêm 1.700m2 đất”. Chú không giấu sự phấn khởi: “Nhờ biết tiết kiệm tiền, đến nay tôi đã có một căn nhà khang trang và lo cho các con ăn học thành tài. Trước đây khi tôi đi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hay giúp đỡ người dân cái gì cũng rất khó khăn do nhà mình nghèo đụng đâu khó đấy, còn bây giờ mình mạnh dạn làm gương nên tuyên truyền, vận động rất thuận lợi”.

Từ một đề án

Gia đình anh Nguyễn Thanh Triều chăn nuôi bò thoát nghèo.
Gia đình anh Nguyễn Thanh Triều chăn nuôi bò thoát nghèo.

Tính từ năm 2008, huyện Tam Bình có 36 ĐV có sổ hộ nghèo, 10 ĐV cận nghèo do thiếu tiếp cận khoa học kỹ thuật, đất sản xuất, gia đình có người bị bệnh… Để giải quyết tình trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Đề án xóa nghèo trong ĐV. Chủ trương này của Huyện ủy được quán triệt trong nội bộ Đảng, các ngành, các cơ quan từ huyện đến tận cơ sở.

Thống nhất về “nhận thức”, ĐV trong toàn huyện thống nhất cao trong việc góp một ngày lương (riêng các ĐV ấp- khóm đóng góp 10.000đ), với số tiền thu được trên 78 triệu đồng dùng để cho các ĐV thuộc diện nghèo mượn không lãi suất.

Để đồng vốn phát huy hiệu quả, các ĐV thuộc diện nghèo phải lập đề án làm ăn gửi lên Huyện ủy. Trên cơ sở đó, Tổ Công tác ĐV nghèo, cận nghèo tiến hành thẩm định đề án thoát nghèo của từng ĐV, xem xét ưu tiên chọn những đề án có tính khả thi để cho mượn số vốn phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh. Sau khi ĐV nhận vốn xong, sẽ sản xuất kinh doanh và đến thời gian phải hoàn vốn lại.

Trong thời gian này, Tổ Công tác xóa nghèo trong ĐV sẽ theo dõi, kiểm tra để đảm bảo ĐV sản xuất, kinh doanh đúng mục đích, hoàn vốn đúng thời hạn quy định. Bằng cách làm này, với số vốn 78 triệu đồng huy động ban đầu, từ năm 2008 đến nay, đã có 16 lượt ĐV mượn, hoàn vốn, với trên 190 triệu đồng.

Song song đó, Huyện ủy phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các ĐV thuộc diện nghèo vay với lãi xuất ưu đãi. Cụ thể từ năm 2013 đến nay, đã có 26 lượt ĐV được nhận hỗ trợ với tổng số tiền trên 520 triệu đồng.

Kết quả phấn khởi, qua 7 năm nỗ lực thực hiện Đề án xóa nghèo trong ĐV, đến nay, trên địa bàn huyện Tam Bình chỉ còn 2 ĐV nghèo và 7 ĐV cận nghèo.

Nói về hiệu quả của việc hỗ trợ vốn cho ĐV thoát nghèo, đồng chí Nguyễn Tấn Khởi- Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tam Bình cho biết: “Được Huyện ủy quan tâm chỉ đạo công tác xóa nghèo trong ĐV từ khâu xây dựng đề án đến công tác phối hợp với các ngành, cấp ủy ở cơ sở nhịp nhàng, đặc biệt là tinh thần đoàn kết của ĐV trong toàn huyện đã đóng góp cho ĐV nghèo, cận nghèo. Bản thân ĐV thuộc diện nghèo cũng có ý chí phấn đấu vươn lên, nên số lượng ĐV nghèo, cận nghèo đã giảm rõ rệt so với trước và những ĐV thoát nghèo này sẽ là tấm gương cho nhiều người dân noi theo. Trước mắt, Huyện ủy vẫn tiếp tục xem xét hỗ trợ cho một số ít ĐV thuộc dạng nghèo còn lại vươn lên thoát nghèo. Theo tiêu chí mới thì số ĐV nghèo, cận nghèo sẽ thay đổi nên đề án này vẫn tiếp tục đến khi không còn ĐV nghèo, cận nghèo ở huyện Tam Bình”. (Còn tiếp)

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN