"Người lính" thời bình học tập, làm theo gương Bác

Cập nhật, 05:57, Thứ Tư, 16/12/2015 (GMT+7)

Qua hơn 25 năm thành lập, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Trà Ôn đã khẳng định là chỗ dựa vững chắc cho những “người lính” thời bình trong tạo lập kinh tế hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng phát triển địa phương.

Kết quả thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2015 và tại hội nghị tuyên dương những điển hình cá nhân, tập thể CCB học tập và làm theo gương Bác Hồ đã phần nào nói lên điều đó.

Cánh đồng VietGAP của Hợp tác xã Hồi Tường
Cánh đồng VietGAP của Hợp tác xã Hồi Tường

Chuyển biến nhận thức, hành động

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc- Chủ tịch Hội CCB huyện Trà Ôn, năm 2015, hội đã tổ chức 191 cuộc sinh hoạt “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với gần 3.300 hội viên tham dự. Việc học tập và tuyên truyền Chỉ thị 03 tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của CCB.

Đáng chú ý, với vai trò trách nhiệm của mình, cán bộ, hội viên CCB huyện đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế gia đình, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới,...

Về ấp Hồi Tường (xã Xuân Hiệp) tìm hiểu Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Hồi Tường do ông Nguyễn Văn Băng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc.

Đơn vị này chuyên ngành nghề: sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, lúa giống xác nhận, dịch vụ cày xới, thu hoạch lúa, trồng nấm. Với lúa, hiện 71 xã viên của HTX là hội viên CCB, tham gia sản xuất 55ha (5ha sản xuất lúa giống, 50ha canh tác lúa hàng hóa).

Ông Nguyễn Văn Băng cho biết, hơn 4 năm nay khi có HTX, cái lợi được cho xã viên là rất nhiều. Có thể kể: Hồi trước, nông dân mình thường sử dụng giống lúa “thịt” khi sạ, nên chất lượng thấp; nay hầu hết đến mùa bà con dùng giống ít nhất cũng từ xác nhận trở lên, nên chất lượng hạt lúa, hạt gạo tốt hơn.

Trước đây, nông dân sạ dày, nay cải tiến bà con mình sạ thưa lại. Năng suất lúa vẫn ổn định vậy, nhưng sạ thưa giúp giảm chi phí mỗi công đất 150- 200 ngàn đồng/vụ (giống, phân, thuốc) nên nông dân thu lợi khá hơn...

Hiện nay, Trà Ôn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh tế tập thể do CCB làm chủ, như: HTX Chuyên canh chôm chôm Tân Khánh của Hội CCB xã Tích Thiện, HTX May bao bì, HTX Lúa giống cao sản xã Xuân Hiệp. Một số HTX làm ăn hiệu quả, thu lợi 140 đến hơn 200 triệu đồng/năm. Theo Huyện hội, năm nay có gần 700 hộ gia đình hội viên CCB đạt danh hiệu CCB sản xuất giỏi ở 4 cấp, có thu nhập từ 51- 900 triệu đồng/năm.

Tinh thần cách mạng thời đại mới...

CCB Nguyễn Hoàng Lâm (ấp Hồi Phước) là xã viên đang canh tác 0,6ha lúa ở ấp Hồi Tường. Ông Lâm nói mỗi năm nhà làm 3 vụ, bình quân lời 1,8- 1,9 triệu đồng/công lúa. Ngoài lúa, ông Lâm còn làm kinh tế hộ như gieo tinh heo, mua bán dừa trái. “Giờ cuộc sống gia đình ổn định, nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đàng hoàng”- ông Lâm phấn khởi.

 Vườn ca cao mẫu sản xuất trình diễn ở Xuân Hiệp.
Vườn ca cao mẫu sản xuất trình diễn ở Xuân Hiệp.

Nhiều xã viên là CCB nhận định: Vụ Đông Xuân có thể lời 3 triệu đồng/công, còn 2 vụ kia, lợi từ cây lúa tổng lại cũng 5 triệu đồng/công/năm.

Không phải tổ hợp tác, HTX nào cũng hoạt động hiệu quả hết, ông Nguyễn Trung Trực- Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Hiệp- khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu Đảng ủy, UBND xã và cùng phối hợp các cấp ngành để hoạt động các tổ, hội ngày một tốt hơn. Theo ông, đó là việc phải làm HTX theo kiểu mới, phát triển mô hình sản xuất hiệu quả và phù hợp với điều kiện địa phương; đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân, hội viên CCB, giữ vững kinh tế gia đình;...

Chuyện ở Hồi Tường tương đồng ở nhiều địa bàn khác mà cán bộ, hội viên CCB đã, đang làm để đời sống của bà con, của mình ngày thêm khởi sắc. CCB Thạch Đành (CCB ấp Vĩnh Hòa, xã Hựu Thành) vận động hội viên đồng bào dân tộc tự vươn lên xóa đói giảm nghèo, nay trong ấp không còn hội viên nghèo. CCB Nguyễn Văn Nữ (CCB ấp Cây Điệp, xã Thiện Mỹ) tích cực vận động hội viên tham gia các phong trào, hướng tới cuộc sống hạnh phúc.

Hội CCB ấp Mỹ Yên (xã Tân Mỹ) vận động hội viên hùn tiền sửa chữa nhà cho hội viên theo từng mùa thu hoạch 3 vụ lúa trong năm... Đó là sự tích cực, tính hiệu quả của “người lính” thời bình bắt tay vào các cuộc vận động, phong trào hành động cách mạng tại
địa phương.

Trần Ngọc Diệp- Chủ tịch Hội CCB xã Trà Côn

Khi ra khỏi phòng tại nhà hoặc cơ quan, tôi luôn tắt đèn, tắt quạt. Hay nơi nào đó mà đèn còn sáng, quạt còn quay mà không có người dùng, thì tôi ghé vào tắt. Khi giải quyết thủ tục hành chính cho người có công, như hồ sơ họ viết không đúng thể thức hoặc viết chữ khó khăn, tôi trực tiếp viết dùm hoặc nhờ đồng nghiệp viết, để anh em khỏi về viết lại.

Nguyễn Văn Chương- Phó Chủ tịch Hội CCB xã Nhơn Bình

Thực tế cơ sở, thấy hội viên còn thiếu vật dụng trang trí trong nhà, nên đã mạnh dạn đề xuất thành lập tổ trang trí nội thất lúc họp BCH. Cụ thể điểm thực hiện tổ này ở ấp Nhơn Trí với 19 thành viên. Mỗi hội viên góp 200.000 đ/năm, nên tới lượt hội viên nhận 3,8 triệu đồng để mua sắm vật dụng gia đình.

Bài, ảnh: MINH THÁI