Cần nhân rộng việc "vi hành"

Cập nhật, 07:08, Thứ Ba, 01/11/2016 (GMT+7)

Vừa qua, câu chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ăn mặc giản dị “vi hành” đến chợ hoa quả Long Biên Hà Nội và làng rau sạch ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm- Hà Nội) được người dân quan tâm.

Chuyện quan “vi hành” kiểm tra, xem xét tình hình an ninh tại một số địa phương không có gì là lạ. Quan lo cho dân thì mới đi thị sát, nắm rõ tình hình một cách thực tế. Nhưng ở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có điểm đặc biệt là “vi hành” vào tờ mờ sáng, đột xuất, bất ngờ, trong lúc hầu như các quan địa phương vẫn còn đang ngon giấc.

Tại sao “vi hành” đột xuất được xem là đặc biệt? Bởi chỉ có như thế mới phản ánh đúng bản chất sự việc, nói lên sự thật và lộ rõ những mặt tiêu cực. Và điều đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm rất tốt, thể hiện sự quan tâm, gần gũi bà con nông dân đúng mực, được dư luận đồng tình.

Trong khi đó hiện nay, một số lãnh đạo địa phương trong cả nước chưa quan tâm lắm đến chuyện “vi hành”.

Các vị chỉ ngồi phòng máy lạnh, nghe cấp dưới báo cáo rồi quyết định chứ không chịu khó ra ngoài nắm rõ tình hình thực tế. Hoặc có nhiều vị quan địa phương cũng đi kiểm tra, thanh tra, “vi hành” nhưng lại như kiểu hội chợ, kèn trống inh ỏi, gây ồn ào huyên náo.

Điều đó rất khó phát hiện tiêu cực trong quá trình kiểm tra vì một số chợ, cơ sở sản xuất nghe phong thanh đã chuẩn bị hàng tốt, ém nhẹm hàng xấu để đối phó. Cũng có trường hợp dù kiểm tra đột xuất một cơ sở sản xuất hàng hóa nhưng lại có người “bắn tin” nên thành ra chưa phản ánh được vấn đề cần giải quyết.

Vì vậy, cán bộ chính quyền địa phương cần “vi hành” nhiều hơn và có tính đột xuất, bất ngờ. Ngoài việc nắm rõ tình hình địa phương thì đây là cách để lãnh đạo học hỏi thêm nhiều vốn sống ở dân (như Thủ tướng nhờ tiểu thương chỉ cách phân biệt quả hồng Bắc Giang với hồng nước ngoài), tương tác với dân chặt chẽ. Qua đó, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân nhằm xây dựng bộ máy hành chính địa phương ngày một hoàn thiện và phát triển.

NGUYỄN HOÀNG DUY