Lo lắng về nước mắm thiếu an toàn

Cập nhật, 10:07, Thứ Năm, 20/10/2016 (GMT+7)

Nước mắm là gia vị không thể thiếu của người Việt Nam từ bao đời nay và gắn bó hàng ngày với mâm cơm của mọi gia đình.

Với điều kiện thuận lợi về biển, nguồn hải sản phong phú, trước đây trên khắp nước ta có rất nhiều làng sản xuất nước mắm nổi tiếng như Phú Quốc (Kiên Giang); Phan Thiết; Bình Tân (Khánh Hòa); Cửa Khe (Quảng Nam); Nam Ô (Đà Nẵng); Mỹ Thủy (Quảng Trị);...

Trước đây, nước mắm truyền thống đã phát triển một cách mạnh mẽ, cung cấp đủ nhu cầu cho thị trường trong nước.

Tuy nhiên, sự yếu thế của nước mắm truyền thống bắt đầu lộ rõ từ khoảng 10 năm trởlại đây, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư và đưa ra dòng sản phẩm nước mắm công nghiệp với ưu thế hợp khẩu vị, giá thành rẻ.

Trong khi đó, những làng nghề nước mắm truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, không được đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất, nguồn vốn hạn chế, khả năng tiếp cận thị trường yếu, giá cả không cạnh tranh khiến quá trình sản xuất bị thu hẹp dần, thậm chí có nơi phải đóng cửa làng nghề.

Nước mắm truyền thống được sản xuất thông qua quá trình thủy phân từ cá, phơi nắng cá để cho không khí tiếp xúc, sử dụng men tiêu hóa sẵn có trong ruột cá để ức chế vi khuẩn, biến đổi đạm trong thịt để dễ thủy phân, thời gian này phải mất từ 4-6 tháng.

Còn hiện nay nước mắm công nghiệp không sản xuất theo quy trình trên mà chủ yếu làm từ nước, muối cộng với pha chế hương liệu, các hóa chất khác để trở thành nước mắm. Với việc đưa ra các công thức pha chế phù hợp sẽ tạo ra được dạng nước mắm có hương vị, khẩu vị rất ngon nên người tiêu dùng khi sử dụng sẽ thấy hợp hơn rất nhiều so với nước mắm truyền thống có vị mặn chát, mùi thơm nồng nồng.

Do không chú ý tìm hiểu thành phần của nước mắm công nghiệp nên người tiêu dùng vẫn nghĩ đây là nước mắm được các công ty có thương hiệu sản xuất, chất lượng sản phẩm lại ngon nên các gia đình có xu hướng từ bỏ sử dụng nước mắm truyền thống để chuyển sang nước mắm công nghiệp.

Với các thành phần tạo nên nước mắm công nghiệp mà nhiều người cho rằng đó là “nước mắm nhưng không phải là nước mắm” được xới lên thời gian qua khiến người tiêu dùng phải giật mình.

Đặc biệt, mới đây nhất sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường với 67% mẫu nhiễm asen (thạch tín) vượt ngưỡng, nước mắm độ đạm càng cao tỷ lệ nhiễm càng cao đã khiến người tiêu dùng hoang mang.

Với những bất an về chất lượng nước mắm công nghiệp, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để yêu cầu các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin cho người tiêu dùng về bản chất của sản phẩm nước mắm như: phương pháp chế biến, nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, dung lượng và các nội dung khác theo quy định một cách chính xác và trung thực, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần phải trang bị kiến thức để lựa chọn sản phẩm an toàn, ưu tiên lựa chọn nước mắm có danh tiếng nhãn hàng uy tín, được Nhà nước bảo hộ thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...

Đặc biệt trong thời gian tới, Nhà nước cần có các biện pháp thúc đẩy đầu tư, khôi phục phát triển lại các làng nghề nước mắm truyền thống để vừa tạo công ăn việc làm cho những người dân vừa cung cấp ra thị trường loại nước mắm đúng nghĩa, đạt chuẩn an toàn.

VĂN THY HOÀNG