Góp ý việc đặt tên đường ở thị trấn Trà Ôn

Cập nhật, 04:36, Thứ Năm, 27/10/2016 (GMT+7)

Gần đây, toàn tỉnh có chủ trương đổi, đặt tên đường, trong đó có huyện Trà Ôn. Hầu hết người dân đón nhận và thống nhất với chủ trương này.

Ở Trà Ôn, từ năm 1956, khi chế độ cũ thành lập tỉnh Tam Cần, lấy trung tâm tỉnh gọi là quận Châu Thành (nay là thị trấn Trà Ôn) thì có nhiều con đường được đặt tên các nhân vật lịch sử của địa phương và đất nước, gắn với sinh hoạt đời sống lâu nay của nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc thực hiện đổi, đặt tên đường cũng cần phù hợp với lịch sử hình thành và tiến trình đô thị hóa của địa phương.

Việc giữ lại tên đường sẽ không làm xáo trộn nhiều vấn đề mà theo tác giả Thanh Mai (trên mục diễn đàn Báo Vĩnh Long ngày 18/10/2016) có nêu ra liên quan đến thay đổi: giấy tờ cá nhân, số nhà, sổ hộ khẩu, bảng hiệu cửa hàng mua bán, kinh doanh, bảng cơ quan, ban ngành, đoàn thể… và còn phải kể đến tốn hao tiền của, tính chung kinh phí thay đổi tên đường không nhỏ.

Ở thị trấn Trà Ôn, chúng tôi ghi nhận từ tham khảo ý kiến của nhiều người dân về công việc này như sau:

1. Những con đường nên giữ lại tên nhân vật lịch sử:

- Đường Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Lợi, Quang Trung, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, Phan Thanh Giản, Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu), Trương Vĩnh Ký, Bang Chang (Trương Văn Chiêng), kể cả đường Đốc Phủ Yên, Đốc Phủ Chỉ.

Đây là những con đường đã tồn tại 60 năm.

2. Những con đường mới còn tên tạm cần đặt tên lại:

- Đường lộ Trung Tâm, giáp QL 54, cầu Trà Ôn đến giáp đường Thống chế Điều bát (đối diện cổng vào Trường Tiểu học thị trấn Trà Ôn)

- Đường từ cầu Trà Ôn qua vòng xoay đến ngã ba “mũi tàu” trên QL 54, giáp đường Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn.

- Đường vành đai ngã ba giồng Thanh Bạch đến giáp hương lộ Bang Chang (ấp Mỹ Lợi, xã Thiện Mỹ).

- Đường từ vòng xoay QL 54 đến giáp đường Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (đối diện Ban Chỉ huy quân sự huyện).

- Đường từ giáp đường Trưng Nhị đến giáp lộ trung tâm, ngang qua Tòa án, Kho bạc huyện…

- Đường Mỹ Hưng- Mỹ Phó (xã Thiện Mỹ).

- Đường từ chân cầu Trà Ôn vào đến nhà thờ Tin Lành, chùa Nhị Mỹ (xã Thiện Mỹ).

- Đường từ chân cầu Trà Ôn vào khu dân cư Khu 10B (thị trấn Trà Ôn).

Nhiều người góp ý kiến, những con đường mới cần mang tên nhân vật lịch sử văn hóa, cách mạng của địa phương hoặc đất nước.

Các con đường lớn như: đường Trung tâm; đường từ cầu Trà Ôn qua vòng xoay, mang tên gắn với sự kiện lịch sử như: Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2 Tháng 9, Nam Bộ kháng chiến, Tết Mậu Thân, 30 Tháng 4….Vì 2 đường này rộng và lưu lượng giao thông đông đúc, xứng đáng mang tên sự kiện lịch sử trọng đại.

HOÀNG ĐƯƠNG