Bệnh "chen ngang"!

Cập nhật, 06:31, Thứ Năm, 14/07/2016 (GMT+7)

Khu vực phát thuốc BHYT ở một bệnh viện thường đông đúc người. Kẻ đứng, người ngồi quanh khu vực chờ gọi tên phát thuốc. Ai cũng cố đứng thật gần để nghe gọi tên mình và khung cảnh rất lộn xộn khi ai cũng mong sớm được gọi tên, nhận thuốc.

Mọi người nhẫn nại chờ đợi vì biết bệnh nhân đông mà công việc của ngành y cũng quá tải vì nhân lực, cơ sở vật chất có hạn.

Đó là chưa kể “quy trình” khám chữa bệnh của bệnh nhân BHYT mất nhiều thời gian. Sau khi khám bệnh, nhận đơn thuốc thì bệnh nhân sẽ qua một số thủ tục, sau đó giao đơn thuốc cho nơi phát thuốc và chờ đợi gọi tên để nhận thuốc. Người đông ai cũng mong chóng đến lượt mình.

Thời gian chờ đợi có thể từ 20- 30 phút, có lẽ đủ dài đối với người bệnh vì đường về còn xa, còn người đưa rước đang chờ đợi.

Bỗng một người từ đâu rẽ đám đông đến thẳng nơi người nhận đơn thuốc và gởi đơn thuốc của mình. Người nhận đơn khẽ liếc nhìn lên và nhanh chóng chuyển đơn thuốc này vào nơi phát thuốc, trong khi còn cả chồng đơn thuốc đang đợi chuyển vào.

Khoảng 5 phút sau, tên người này được gọi và nhận thuốc ra về trước sự ngỡ ngàng của bao người chờ đợi. Đây có thể gọi đích danh là hiện tượng “chen ngang”. Họ là ai? Tất nhiên không phải số đông đang dài cổ chờ đợi.

Họ có thể là “người áo trắng” đồng nghiệp của những người đang phát thuốc, họ có thể là thầy cô giáo cũ của những người có trách nhiệm điều phối ai trước ai sau,…

Điều đau lòng rút ra là những kẻ “chen ngang” đều là người có văn hóa. Họ thừa hiểu “văn hóa chờ đợi nơi công cộng” là gì, thay vì như mọi người chờ đợi đến lượt thì họ lại “chen ngang”.

Chúng ta thường kêu gọi mọi người thực hiện nếp sống văn hóa- văn minh nơi công cộng và thường xoáy sâu vào tầng lớp người ít có điều kiện tiếp xúc với môi trường văn hóa.

Qua câu chuyện này, thật ra ứng xử văn hóa không nhất thiết phụ thuộc vào trình độ văn hóa mà tùy vào ý thức văn hóa của mỗi người- dù họ là ai.

SONG NGUYỄN