Mạnh tay ngăn chặn cuộc gọi và tin nhắn "rác"

Cập nhật, 10:23, Thứ Năm, 23/06/2016 (GMT+7)

Dân số Việt Nam hiện có hơn 90 triệu người nhưng lại có đến hơn 128 triệu thuê bao di động.

Đó là kết quả nghiên cứu từ nhiều công ty dịch vụ nội dung Internet công bố tại hội thảo “Go mobile first” do Hiệp hội mobile marketing toàn cầu MMA tổ chức tại Việt Nam vào năm 2015. Tính trung bình, một người sở hữu hơn 1 sim điện thoại di động. Một con số không nhỏ tí nào so với các nước trong khu vực, kể cả thế giới. Vậy con số đó phản ánh mặt tích cực hay lo ngại?

Nếu đối với 5 nhà mạng Việt Nam thì có lẽ là điều đáng mừng vì các thuê bao tiêu thụ nhiều sản phẩm của họ. Nhưng đối với khách hàng, nhất là những ai chỉ “trung thành” dùng một sim chính nghiêm túc thì lại lo lắng.

Bởi trên thực tế 128 triệu thuê bao ấy chỉ là phần nổi của vấn đề, còn chưa kể các thuê bao không đăng ký chính thức (thông qua đại lý đăng ký giùm hoặc mua sim rác) và một người có thể đăng ký đến ba số di động/ một nhà mạng.

Cá nhân tôi từng một mình đăng ký 5 sim mạng V. cho cả nhà (vì đều là người già nên không tự đi đăng ký được).

Nhân viên mạng V. đã gợi ý thêm số 0 và trước số chứng minh nhân dân của tôi (tức thành ra 11 số) để có thể hợp thức hóa thêm 2 sim nữa mà không vi phạm. Đó là chưa kể có nhiều người mua sim “rác” dùng một lần rồi bỏ, thành ra nỗi lo âu của khách hàng nghiêm túc quả là chính đáng.

Lo là vì có quá nhiều thuê bao đã đăng ký và chưa đăng ký sử dụng số đang dùng để gọi quảng cáo nhà đất, chào mời tham gia các trò trúng thưởng, mua bảo hiểm; nhắn tin bói toán, ủng hộ đồng bào khó khăn,…

Thậm chí nhiều số thuê bao của các công ty tài chính chỉ dùng để đi đòi nợ, chặn cuộc gọi đến. Tất nhiên những sim không chính danh ấy có khi còn mang tính chất lừa đảo. Đó là chưa nói có những người vì quá rảnh rang nên suốt ngày dùng sim “rác” để gọi điện, nhắn tin chọc phá người khác, thậm chí còn dùng những ngôn từ tục tĩu.

Phiền phức nhưng cũng đành chịu vì góp ý với những nhà mạng thì họ cũng nói suông cho qua chứ không làm được gì hơn. Cũng chính vì nắm được kẽ hở ấy mà nhiều kẻ quấy rối đã xem thường luật pháp, lợi dụng việc này để lừa lọc, quấy quá, thách thức nạn nhân.

Cá nhân tôi từng đi công tác nhiều ở hai nước láng giềng là Lào và Campuchia, tôi thấy họ quản lý thuê bao di động khá tốt. Đúng là dân số của họ ít hơn của ta rất nhiều nhưng trên hết vẫn là ý thức.

Người ta chỉ dùng điện thoại để làm ăn, liên lạc là chính chứ không quấy phá. Ở bên đấy một thời gian khá dài, số sim của tôi hầu như không bị quảng cáo (chính từ nhà mạng) và những kẻ trục lợi làm phiền.

Điều đó khiến cho các thuê bao chính danh cảm thấy yên tâm khi là thượng đế của nhà mạng. Trong khi ở Việt Nam ta, việc quản lý thuê bao còn quá bất cập nên nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực.

Thời gian qua, dù Bộ Thông tin- Truyền thông, nhà mạng, các đại biểu Quốc hội ra sức đưa ra sáng kiến, mạnh tay với việc loại trừ tin nhắn “rác” nhưng dường như chưa khả quan. Mà cũng phải thôi, sự việc không thể nào chấm dứt khi ngay chính nhà mạng là “thủ phạm” xả rác vô tội vạ.

Liên tục nhiều tin nhắn chào mời tham gia trúng thưởng từ hộp thư, rồi lại xuất hiện trên màn hình điện thoại (mỗi khi bấm kiểm tra số dư trong tài khoản) từ các nhà mạng đang liên tục làm phiền khách hàng.

Đồng ý rằng càng nhiều thuê bao thì giúp ích cho nền kinh tế nước nhà thông qua nguồn thu thuế.

Tuy nhiên cũng vì quá nhiều thuê bao, nhà mạng kiểm soát không chu tất (hoặc cố tình buông xuôi) nên dẫn đến việc nhiều người dùng sim điện thoại để quấy rối. Điều này rất cần sự ra tay cương quyết, triệt để từ Bộ Thông tin- Truyền thông để điện thoại di động không còn những uộc gọi và tin nhắn “rác”.

NGUYỄN THANH VŨ