Tìm cách "mở cánh cửa mới" cho trường cao đẳng, đại học

Cập nhật, 12:22, Thứ Tư, 08/11/2017 (GMT+7)

 

Chương trình giáo dục CĐ, ĐH cần tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao tính tự học
Chương trình giáo dục CĐ, ĐH cần tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao tính tự học

Cùng với những khó khăn chung của không ít trường CĐ, ĐH trong cả nước, nhiều trường ĐH, CĐ ở Vĩnh Long tuyển sinh không đạt chỉ tiêu. Nhìn thẳng sự thật để biết “mình đang ở đâu” và cần phải làm gì là những vấn đề các trường ĐH, CĐ ở Vĩnh Long đã và đang làm.

Biết nhìn thẳng, nói thật

Không thể phủ nhận những khó khăn trong công tác tuyển sinh thời gian qua, khi số thí sinh trúng tuyển và nhập học ở nhiều trường chưa đến 50%.

ThS. Nguyễn Quang Sang- Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long- trong một hội thảo gần đây đã lên tiếng về bức tranh hệ CĐ: “Tình hình tuyển sinh cực kỳ khó khăn, các trường phải tìm cơ hội tồn tại. Trường tôi được UBND tỉnh giao 200 chỉ tiêu CĐ, đến giờ chưa được 100 sinh viên nhập học”.

Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long cũng tiếp tục thời kỳ khó khăn. Toàn trường có 63 cán bộ, giáo viên nhân viên và hơn 800 sinh viên năm học 2017- 2018 này.

Dù đã cố gắng để tuyển được 230 sinh viên trong năm học mới nhưng so với quy mô đào tạo, con số này vẫn còn hạn chế.

Trong lễ khai giảng năm học mới, ThS. Ngô Thanh Trúc- Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long- cho biết: “Trình độ giảng viên của trường vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu của Luật Giáo dục ĐH, Luật Giáo dục nghề nghiệp và yêu cầu về chương trình phát triển ngành sư phạm và trường sư phạm giai đoạn 2011- 2020. Toàn trường có 24 thạc sĩ/ 45 giảng viên trực tiếp đứng lớp, tỷ lệ 53,3%”.

Trong khi đó, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long hiện có 168 công chức, viên chức. Trong đó, có 127 giảng viên cơ hữu, 5 tiến sĩ, 12 nghiên cứu sinh và 78 thạc sĩ.

Tỷ lệ giảng viên có trình độ sau ĐH của trường chiếm khoảng 75%. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Giàu- Phó Hiệu trưởng trường- cho rằng việc tuyển sinh, đào tạo phải theo nhu cầu xã hội. Khó khăn lớn ở trường hiện nay là “có những ngành công ty đến đặt hàng nhưng sinh viên không thích học, điển hình như ngành thủy sản và một số ngành nông nghiệp”.

Trong khi đó, lực lượng giảng viên ngành này đông và mạnh khi hầu hết có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Không chỉ riêng các trường CĐ, trường ĐH cũng gặp khó khăn. TS. Nguyễn Văn Xuân- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây cho biết: “Chỉ có khoảng 50% thí sinh trúng tuyển đến trường làm thủ tục nhập học”. Trường ĐH Cửu Long cũng có trên 500 tân sinh viên nhập học, chưa đầy 50% chỉ tiêu tuyển sinh.

“Mở những cánh cửa mới”

Tuyển sinh gặp khó ở các trường CĐ là chuyện dễ hiểu trong những năm gần đây, khi mà con đường vào ĐH đã “rộng thênh thang”.

Để tồn tại và phát triển, nhiều trường CĐ đã mạnh dạn “mở những cánh cửa mới” là sáp nhập hoặc trở thành “trường vệ tinh” của các trường ĐH lớn. ThS. Nguyễn Quang Sang cho biết: “Đề án thành lập phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh ở Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long đang được hình thành, dự kiến thành lập phân hiệu trong quý I/2018”.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có quyết định sáp nhập Trường CĐ Tài chính- Hải quan vào Trường ĐH Tài chính- Marketing TP Hồ Chí Minh. Hồi năm 2010, Trường CĐ Sư phạm Trà Vinh sáp nhập vào ĐH Trà Vinh và có được những thành tựu cơ bản như hiện nay.

Hai điểm sáng trong tuyển sinh thời gian gần đây ở Vĩnh Long là Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và Trường CĐ Nghề Vĩnh Long. Khoảng 5 năm trước đây, các trường này còn gặp khó, mỗi năm chỉ tuyển khoảng 60% chỉ tiêu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, các trường đã tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. ThS. Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- cho biết: “Đến hết tháng 9/2017, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long có 630 HS, SV nhập học, đạt 105% chỉ tiêu được giao”.

PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch tuyển sinh với 1.469 tân sinh viên hệ ĐH và 386 sinh viên hệ CĐ trong năm học mới 2017- 2018, đạt hơn 104% chỉ tiêu”. Tăng thời gian thực hành, giảm lý thuyết; gắn giảng dạy với yêu cầu doanh nghiệp là một trong những bài học mà các trường này rút ra.

Thiết nghĩ, việc phát triển các trường CĐ, ĐH không chỉ là chuyện riêng của trường. Quy mô tuyển sinh không chỉ “gói ghém” với thu chi của một đơn vị nào mà những cần gắn với sự phát triển của giáo dục, nguồn nhân lực. Do đó, các trường ĐH, CĐ cần có cái nhìn khách quan, khoa học hơn để “tìm lối ra”.

Song song, các bộ, ngành liên quan cần tạo điều kiện cho các trường phát triển ổn định, bền vững. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Vĩnh Long, nhân lực ĐBSCL hay rộng hơn là cả nước.

Theo thống kê của Bộ GD- ĐT, tính đến hết năm học 2016- 2017, theo hệ thống có 235 trường ĐH, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học, 33 trường CĐ sư phạm và 2 trường TC sư phạm. Về quy mô đào tạo, năm học 2016- 2017, tổng quy mô sinh viên ĐH hơn 1,7 triệu sinh viên, giữ ổn định so với năm học 2015- 2016, quy mô sinh viên CĐ sư phạm giảm 14,3%, chỉ còn 47.800 sinh viên.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN