Môn Lịch sử vẫn đìu hiu, Địa lý "hút hàng"

Cập nhật, 14:51, Thứ Tư, 04/05/2016 (GMT+7)

 

Môn thi phải phù hợp với tổ hợp môn đăng ký xét tuyển.
Môn thi phải phù hợp với tổ hợp môn đăng ký xét tuyển.

Ngày 30/4 là hạn chót cho thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, ghi nhận sơ bộ ở các trường THPT, môn Lịch sử vẫn đìu hiu và Địa lý được nhiều học sinh lựa chọn.

Thay vì chọn môn thi theo năng lực, theo tổ hợp môn thi ĐH thì nhiều thí sinh năm nay chọn các môn thi theo điểm. “Nghĩa là dựa trên điểm thi năm trước ở trường môn nào cao thì chọn môn đó”- Hiệu trưởng một trường THPT chia sẻ.

Sử- mỗi năm mỗi vắng

Kết quả đăng ký môn thi sơ bộ của học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Văn Hòa nghiêng về các môn tự nhiên như thường lệ. Môn Lịch sử và môn Sinh học giảm nhiều, nguyên nhân là do năm rồi các môn này có điểm thi thấp hơn.

Thầy Nguyễn Bá Khương- Phó Hiệu trưởng trường cho biết: Sơ bộ thì có khoảng 18 em đăng ký thi môn Lịch sử trên tổng số học sinh 240 em, tỷ lệ 7.5%. Dù ít học sinh dự thi, khi ôn tập cho các em cũng phân hóa theo 2 dạng đối tượng: ôn để xét tốt nghiệp và ôn để xét tốt nghiệp và ĐH.

Tại Trường THPT Tân Lược (Bình Tân), học sinh cũng chuộng các môn tự nhiên. Thầy Trần Hòa Nhã- Phó Hiệu trưởng trường nói: “Có 5 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử, trong đó 1 để xét tốt nghiệp”. Theo thầy, học sinh của trường không “ghét” môn Lịch sử nhưng các em cho rằng thi môn này điểm không cao, hơn nữa do tổ hợp thi ĐH các em chọn cũng không có môn này.

Trong khi đó, ở Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long), thầy Nguyễn Văn Mười, giáo viên dạy Sử cười… buồn hiu: “Năm nay thầy “khỏe” lắm vì không có học sinh nào thi môn Lịch sử hết!”

Tại Trường THPT Vĩnh Long, số học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử cũng ít hơn mọi năm. Thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng trường cho biết: “Năm ngoái có 29 em chọn thi môn Lịch sử thì nay chỉ còn 16 em!”

Chọn môn theo… điểm

Trong quá trình đăng ký môn thi tại các trường THPT, học sinh có tâm lý không ổn định, hoang mang là điều rất dễ hiểu vì các em đang đứng trước quyết định quan trọng của cuộc đời mình.

Thầy Bùi Minh Hiếu- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình) cho biết: “Gần đến ngày hết hạn thì học trò lên đổi môn mỗi bữa”.

Nếu như các trường khác chuộng môn tự nhiên thì THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) lại thiên về các môn xã hội. Có đến 118 học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, tỷ lệ 41,7%. Môn Địa lý cũng có tỷ lệ học sinh đăng ký tương đương.

Cô Võ Thị Thủy- giáo viên dạy Lịch sử của trường cho rằng: “Trường chúng tôi có truyền thống học tốt các môn xã hội, nhiều em cũng chọn thi khối C cho nên rất đông học sinh đăng ký môn Lịch sử và Địa lý”. Môn Vật lý là môn có ít học sinh đăng ký nhất và đây cũng là môn có điểm thi thấp nhất của trường năm ngoái.

Trong khi đó, ở Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (Vũng Liêm), môn Lịch sử và Địa lý dùng để xét ĐH có lần lượt 46 và 64 học sinh đăng ký. Thầy Hiệu trưởng Lê Hữu Rí nói: “So với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thì Lịch sử và Địa lý có nhiều học sinh đăng ký hơn”.

Trong đó, số học sinh đăng ký môn Địa lý- môn thứ 4 để xét tốt nghiệp THPTcó đến 253 em, chiếm hơn 90%. Trường THPT Vĩnh Long cũng có đến 72 học sinh chọn môn này. Thầy Đặng Hoàng Dũng lý giải: “Học sinh thích môn Địa lý vì cho là học môn đó dễ hơn và dễ kiếm điểm hơn môn Lịch sử!”

Chọn môn thi theo đúng năng lực, theo ngành nghề yêu thích là rất quan trọng. Điểm số là vấn đề đáng được quan tâm nhưng vào được ngành đúng năng lực, sở thích còn quan trọng hơn nhiều.

 

Thầy Nguyễn Minh Thiện- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân lo lắng: “Mặc dù cố gắng ôn tập để các em vững kiến thức nhưng với đề có câu hỏi mở chúng tôi rất lo vì câu hỏi mở nhưng đáp án thì không mở”.

 

Thầy ví dụ như các đề Ngữ văn, đề Lịch sử có câu hỏi mở về các vấn đề xã hội cho học sinh nêu ý kiến, đã là ý kiến cá nhân thì làm sao lại chấm trong khuôn khổ? Thầy nói thêm: “Đáp án ghi rất rõ ràng, cụ thể từng ý nhỏ nhất. Cho nên rất nhiều học sinh bị điểm thấp câu hỏi này”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN