Hy vọng sớm đưa chiến tranh biên giới Việt- Trung vào sách giáo khoa

Cập nhật, 14:56, Thứ Tư, 27/04/2016 (GMT+7)
Nhiều ý kiến cho rằng học sinh THPT cần được học về cuộc chiến Việt- Trung năm 1979 đầy đủ, khái quát hơn (ảnh minh họa).
Nhiều ý kiến cho rằng học sinh THPT cần được học về cuộc chiến Việt- Trung năm 1979 đầy đủ, khái quát hơn (ảnh minh họa).

Sự kiện chiến tranh biên giới Việt- Trung thời gian gần đây “nóng” lên với nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhất là các nhà sử học là nên đưa đầy đủ hơn vào chương trình sách giáo khoa hiện hành. Nhiều thầy cô giáo, học sinh cũng mong muốn như vậy…

 

Mới đây, vấn đề đưa biển đảo vào chương trình giáo dục đã làm nóng nghị trường Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015) một cách đầy đủ, phù hợp các nội dung giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa.

Khi nhắc đến sự kiện 17/2/1979, Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới của Việt Nam, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn thông tin về cuộc chiến phải được thể hiện rõ, thay vì chỉ có “11 dòng” trong sách giáo khoa như hiện nay.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cuộc chiến tranh biên giới 1979 đến nay đã hơn 30 năm, đủ “chín mùi” để đưa vào sách giáo khoa để học sinh biết. Việc đưa vấn đề này vào sách là rất bình thường vì đó là sự thật, là lịch sử.

Trao đổi với một số giáo viên dạy môn Lịch sử trong các trường THPT, hiện nay phần nội dung nói về chiến tranh biên giới Việt- Trung thể hiện rất ít, chỉ đáp ứng truyền đạt lướt qua cho học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Hiệp- giáo viên môn Lịch sử (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết: Chiến tranh biên giới Việt- Trung năm 1979 trong sách giáo khoa chỉ thể hiện khoảng 11 dòng. Hiện nay, nhiều nhà sử học, phương tiện truyền thông cũng mong muốn Bộ GD- ĐT biên soạn lại sách để thế hệ sau hiểu rõ được lịch sử.

“Là một giáo viên, tôi hy vọng nội dung của cuộc chiến sẽ được thể hiện khái quát, đầy đủ hơn để học sinh nắm rõ, hiểu được giá trị và phát huy được truyền thống yêu nước của dân tộc. Nhiều lúc học sinh hỏi tại sao cả cuộc chiến mà sách giáo khoa chỉ thể hiện có vài dòng, ngay cả giáo viên cũng không biết phải trả lời sao…”

 

Đại diện Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD- ĐT) cho rằng, những vấn đề đang nóng, có tính thời sự, được đông đảo người dân quan tâm và đó lại là vấn đề có thể giáo dục ý thức tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ thì hoàn toàn có thể tính đến việc đưa vào sách giáo khoa. Nhưng đưa như thế nào, liều lượng ra sao thì cần phải nghiên cứu, cân nhắc thận trọng.

Trong khi đó, giáo viên lịch sử một trường THPT cho rằng, hiện nay có khá nhiều nguồn tư liệu nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung.

Ngoài các nguồn tài liệu của Bộ GD- ĐT, chương trình ĐH,… giáo viên cũng có thể tham khảo để giới thiệu cho các em học sinh, nhất là các giờ ngoại khóa. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều nguồn tài liệu không chính thống, do đó, giáo viên và học sinh cũng phải lựa chọn cẩn thận…

Em Nguyễn Phạm Thanh Hằng- học sinh lớp 12 Sinh Địa (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm)- cho biết, bản thân học chuyên Địa lý nhưng cũng rất mê học Lịch sử.

“Học sử là để biết được lịch sử, nguồn gốc của dân tộc, cũng là trang bị kiến thức để có thể trò chuyện, trao đổi với bạn bè, nhất là bạn bè ở nước ngoài. Do đó, em cũng hy vọng kiến thức lịch sử sẽ hấp dẫn, đầy đủ hơn để chúng em nắm rõ”.

Ông T.V.Đ.- một giáo viên về hưu ở thị trấn Long Hồ chia sẻ: Lịch sử là sự thật. Do đó, để các em học sinh, các thế hệ sau này biết được sự thật là nhiệm vụ chung của ngành giáo dục: “Sự hy sinh của một thế hệ cha ông cho chiến tranh là có thật, các em học sinh biết được những kiến thức đó cũng là một phần thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn…”

Trong khi đó, đại diện Bộ GD- ĐT cho rằng, sách giáo khoa hiện hành tuy không đề cập đầy đủ nhưng cũng đã nói đến cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung, chiến tranh biên giới Việt Nam- Campuchia và một số nội dung liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa.

Tuy nhiên, do hạn chế số trang sách giáo khoa trong khi nội dung cần truyền đạt thì nhiều, nên thông tin sự kiện được viết ngắn gọn, chưa thỏa mãn được cả những nhà viết sách sử, thầy cô giáo và học sinh.

Vị đại diện này cũng cho rằng, thông qua nhiều kênh khác nhau, Bộ GD- ĐT đã được nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà sử học về việc cần đưa nội dung các cuộc chiến tranh vào sách giáo khoa với dung lượng phù hợp.

Cũng có ý kiến cho rằng, ngày nay, các bạn trẻ muốn quan tâm tới lịch sử dân tộc có nhiều công cụ phương tiện tiếp cận. Cái cần làm là cung cấp cho các bạn phương pháp khai thác, xử lý thông tin về lịch sử như thế nào cho đúng…

 

Thầy Nguyễn Hồng Phước- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nêu ý kiến: Với 11 dòng kiến thức về cuộc chiến tranh biên giới Việt- Trung sẽ khó diễn tả đầy đủ. Với nhiều xương máu của cha ông đã đổ xuống cho cuộc chiến, rõ ràng thế hệ sau phải cần được biết và hiểu rõ...

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN