Ôn thi thường xuyên cho... học sinh thường xuyên

Cập nhật, 12:45, Thứ Tư, 20/04/2016 (GMT+7)

 

Học sinh thường xuyên cần có kế hoạch ôn tập riêng.
Học sinh thường xuyên cần có kế hoạch ôn tập riêng.

Khác với hệ giáo dục phổ thông, học sinh hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) cần có một lộ trình ôn tập với phương pháp và thời gian khác nhau. Mục tiêu chính hướng tới là chuẩn bị đủ kiến thức tốt nghiệp THPT.

Khởi đầu khó

Theo ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp- Giáo dục thường xuyên, Sở GD- ĐT Vĩnh Long: Kết quả xét tốt nghiệp hệ thường xuyên năm 2015 là 72,22% giảm 18,84% so với năm 2014.

Trong đó, hệ GDTX của THPT Hiếu Nhơn, Trung tâm GDTX huyện Vũng Liêm và Trung tâm GDTX huyện Tam Bình có tỷ lệ tốt nghiệp lần lượt là 11,76%, 37,14% và 53,33%.

Mặc dù khi thi theo hình thức mới “2 trong 1” thì ở hệ THPT và GDTX đều giảm tỷ lệ tốt nghiệp do đề thi khó hơn, tuy nhiên, hệ GDTX cũng nhìn nhận những hạn chế để có biện pháp khắc phục trong năm 2016: cho điểm, cộng điểm chưa chính xác, duy trì sĩ số ôn tập và một số kế hoạch ôn tập cụ thể chưa tốt.

Điểm thi đạt từ 5 trở lên thấp, nhất là môn Toán chỉ 4,19% và môn Sinh học có 10,05% đạt từ trung bình trở lên.

Đó là còn chưa kể đến học sinh bị vướng điểm liệt, điển hình như môn Toán tới 86 học sinh, chiếm 11,26%. Ông Khương nói: “Có thể thấy là điểm thi các môn xã hội cao hơn điểm thi các môn tự nhiên. Cụ thể như Địa lý có đến 67,65% học sinh trên trung bình, Lịch sử cũng xấp xỉ 50%”.

THPT Hòa Bình, Trung tâm GDTX huyện Long Hồ và THPT Vĩnh Xuân là 3 đơn vị có tỷ lệ học sinh thường xuyên tốt nghiệp trên 90%.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Thiện- Trường THPT Vĩnh Xuân chia sẻ: “Học sinh thường xuyên thường có tâm lý dễ mặc cảm, dễ chán nản và dễ buông xuôi vì vậy giáo viên phải xác định các em cần được giúp đỡ bằng cái tâm nhà giáo”.

Giáo viên nào cũng muốn học sinh siêng năng, ngoan ngoãn nhưng học sinh thường xuyên thường không chịu học bài, làm bài tập. Nhiều em hầu như không có kiến thức cơ bản, không có kỹ năng làm bài và kỹ năng tự học cũng không có.

Thầy Nguyễn Anh Dũng- giáo viên Địa lý, Trung tâm GDTX TP Vĩnh Long chia sẻ: “Đối với học sinh thường xuyên, người thầy phải có cách dạy nhẹ nhàng đi từ thấp đến cao, có phân hóa”.

Cần thêm nữa cái tâm, cái tài nhà giáo

Một điểm khó mà giáo viên thường xuyên “than” là phụ huynh không quan tâm và “khoán trắng” cho nhà trường. Do vậy, công việc ổn định sĩ số của học sinh khi ôn tập rất khó khăn.

THPT Vĩnh Xuân đã hoàn thành danh sách học sinh yếu theo từng môn và xác định nguyên nhân yếu từng môn đó.

Thầy Nguyễn Minh Thiện cho biết: “Có em do ảnh hưởng hoàn cảnh gia đình, có em do tâm lý, do lười học, không hứng thú hoặc hứng thú với môn nào”. Xác định từng đối tượng rồi tư vấn để các em chọn môn thi và có cách hỗ trợ, ôn tập phù hợp nhất là cách của THPT Vĩnh Xuân.

Tại THPT Phan Văn Hòa, thầy Hiệu trưởng Võ Văn Hoàng cho biết: “Khi chọn môn thi, có một số môn chỉ vài ba học sinh thường xuyên đăng ký.

Tuy nhiên, chúng tôi đã vận động giáo viên sẽ ôn tập cho các em bình thường, không ghép lớp ôn chung với hệ THPT”.

Nói về việc ôn riêng giữa THPT và GDTX, nhiều lãnh đạo trường cho rằng: Dù đề thi chung nhưng sức học và khả năng tiếp thu của các em không giống nhau, nếu ôn chung các em học yếu rất dễ chán nản vì không theo kịp, giáo viên cũng khó ôn tập hơn.

Trao đổi về kinh nghiệm quản lý học sinh ôn thi THPT quốc gia, Trung tâm GDTX huyện Long Hồ cho rằng, trước hết là nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Phân tích tầm quan trọng của kỳ thi sắp tới, cuộc sống sau này, nói rõ những hạn chế của học viên cho gia đình biết để hỗ trợ.

Thi học kỳ II xong, trung tâm tổ chức ôn tập theo 3 vòng: Vòng 1 ôn tập theo dạng kiến thức và chủ đề môn học; Vòng 2 ôn tập tổng hợp tất cả các chủ đề theo ma trận đề thi tốt nghiệp; Vòng 3 củng cố kiến thức cho học sinh dựa trên kết quả thi thử.

Nhiều trường, trung tâm cũng tổ chức thi thử nhiều lần cho học sinh vì đây là cách đánh giá lại quá trình ôn tập của các em. Trung tâm GDTX huyện Long Hồ thi thử lần 1 vào cuối tháng 5 và thi thử lần 2 vào trung tuần tháng 6. Kết quả thi thử được báo cho phụ huynh để phối hợp nhà trường, động viên các em thi tốt hơn.

 

Ông Nguyễn Ngọc Khương nhấn mạnh những điểm GDTX cần quan tâm: Dạy đúng, dạy đủ chương trình; bám sát yêu cầu kiến thức, kỹ năng; hướng dẫn học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, học theo hướng hiểu đề phân tích bình luận; phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập.

 

Đặc biệt chú trọng việc kiểm tra hồ sơ dự thi của học sinh phải đúng, đủ; hướng dẫn, tư vấn sâu cho từng học sinh để các em chọn 2 môn thi còn lại phù hợp với năng lực.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN