Chung tay chăm lo cho "nạn nhân da cam"

Cập nhật, 05:14, Thứ Hai, 10/08/2020 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Long có hơn 6.000 nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin (tạm gọi nạn nhân da cam-BT). Nhiều năm qua, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đồng hành hỗ trợ góp phần xoa dịu nỗi đau của nạn nhân. Nhờ đó, nạn nhân da cam/dioxin có đời sống ổn định hơn, sức khỏe tốt hơn.

Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng các thế hệ tiếp sau vẫn phải gánh chịu hậu quả từ chất độc hóa học trong chiến tranh. Trong ảnh: Các em nhỏ là nạn nhân da cam/dioxin tập phục hồi chức năng.
Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng các thế hệ tiếp sau vẫn phải gánh chịu hậu quả từ chất độc hóa học trong chiến tranh. Trong ảnh: Các em nhỏ là nạn nhân da cam/dioxin tập phục hồi chức năng.

Trao quà, tặng nhà, trao “cần câu”

Chỉ tính riêng trong dịp kỷ niệm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8) này, Tỉnh hội sẽ trao gần 800 phần quà với tổng giá trị gần 340 triệu đồng đến các nạn nhân. Bà Lê Thanh Xuân- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và Bảo trợ xã hội tỉnh- cho biết: “Tùy từng đối tượng nạn nhân còn khả năng lao động hay không hoặc xem họ cần gì, chúng tôi sẽ vận động hỗ trợ phù hợp giúp họ vượt qua khó khăn”.

Không chỉ trao quà, trao nhà, các nạn nhân da cam còn được chăm lo, điều trị phục hồi miễn phí. Đặc biệt với những nạn nhân còn nhỏ tuổi, cơ hội phục hồi sẽ cao hơn và phục hồi được nhiều hơn, do đó việc tập vật lý trị liệu cho nạn nhân da cam là rất
cần thiết.

16 năm qua, Cơ sở Phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu (Phường 4- TP Vĩnh Long) của Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Ngọc Điểu là nơi phục hồi chức năng miễn phí cho trên 5.000 lượt trẻ da cam, khuyết tật.

Cơ sở Phục hồi chức năng bại não Ngọc Điểu được thành lập năm 2004. Tận dụng một phần phía trước trong căn nhà nhỏ của bà để mở cơ sở, không có người hỗ trợ, không có kinh phí hoạt động, bà vừa là bác sĩ thăm, khám bệnh, vừa là thầy thuốc hỗ trợ các bài tập vật lý trị liệu, xoa nắn bấm huyệt, trị liệu cho trẻ bại não. Đến nay, cơ sở này tiếp nhận hỗ trợ miễn phí trung bình khoảng 45 bệnh nhân mỗi ngày (trừ thứ bảy và chủ nhật).

Cô Võ Thị Bơi (68 tuổi, ở Mang Thít) có cháu ngoại là bé Trường đang tập vật lý trị liệu ở đây cho biết: “7 tuổi, tôi mới đưa cháu lên đây, tay chân không cử động được, không nói được. Nay thì Trường đã khá hơn, hiểu nhiều, biết ngồi rồi. Tôi mừng lắm, mang ơn không biết nói sao cho hết”.

Có nhiều người được phục hồi chức năng tốt, nhiều bé được đến trường đi học tốt và thậm chí là học giỏi. “Bé Châu Đăng Khoa, hồi 3 tuổi mới đi tập cứ như cục thịt, không biết đi đứng nói cười, nay đã vào lớp 6 và chiều hôm tổng kết chạy lại khoe ngoại quà học sinh giỏi”- bà Ngọc Điểu kể.

Chỗ dựa vật chất lẫn tinh thần

Có những nụ cười không trọn vẹn vì khuyết tật nhưng đã tươi hơn khi đến với hội, khi được sẻ chia, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Anh Lê Hiếu Nghĩa (ấp Phước Hanh, xã Phước Hậu- Long Hồ) bị ảnh hưởng chất độc da cam nên tay phải teo nhỏ từ khi mới lọt lòng mẹ. Không chỉ teo ở cánh tay mà bàn tay và các ngón cũng bị biến dạng, không thể lao động.

Anh Nghĩa cho biết, trước đây anh hay mặc cảm với bạn bè và mọi người xung quanh về cơ thể của mình nhưng kể từ khi anh tham gia hội, gặp gỡ những nạn nhân da cam còn nặng hơn mình: “Có người thậm chí còn không đi đứng được, không hiểu, không nói được,… tôi thấy mình vậy là hạnh phúc lắm rồi, không mặc cảm nữa mà cố gắng hơn”.

Rồi anh được các cô chú, anh chị trong huyện hội, tỉnh hội động viên giúp đỡ. Mỗi tháng, anh Nghĩa nhận được số tiền hỗ trợ hơn 800.000đ- “không nhiều nhưng cũng đỡ, tui được mấy anh chị, cô chú trong hội tới lui thăm hỏi hoài hà”- anh Nghĩa nói.

Đối với gia đình cô Trần Thị Như Yến và chú Huỳnh Thanh Nhã ở xã Trà Côn (Trà Ôn) có 2 người con là nạn nhân da cam thì sự giúp đỡ của hội “không biết kể sao cho hết”- cô Yến nói vậy. Vì từ căn nhà đang ở đến vốn chăn nuôi, rồi quà mỗi dịp tết, lễ… gia đình cô đều được hội quan tâm hỗ trợ.

Cô Yến và con trai nhận phần quà hơn 1 triệu đồng từ Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hồi đầu năm 2020.
Cô Yến và con trai nhận phần quà hơn 1 triệu đồng từ Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hồi đầu năm 2020.

Cô chú có 2 người con là Huỳnh Thanh Liêm (36 tuổi) và Huỳnh Thị Phượng Loan (27 tuổi). Thanh Liêm bị nặng không đi đứng và nói được, Phượng Loan phơi nhiễm nhẹ hơn vẫn đi đứng được nhưng không vững, có lần té gãy tay. Nay thì Phượng Loan đỡ nhiều rồi. Phượng Loan trông lanh lợi và trắng trẻo hơn, đã biết khoanh tay “thưa chị”. Loan còn biết đẩy xe lăn cho anh Liêm cùng ra nói chuyện chơi.

Dịp trao quà gần đây, cô Yến khoe: “Phượng Loan đã lấy chồng và sắp làm mẹ rồi!” Niềm vui của gia đình cô Yến từ hạnh phúc của người con gái không thể đong đếm được. Cô Yến nói mà muốn rớt nước mắt: “Cô không ngờ có được ngày hôm nay”.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị phúc lợi chăm sóc nạn nhân da cam của tỉnh gần 4 tỷ đồng. Qua đó, Tỉnh hội và các hội cơ sở đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 8 căn nhà, trao gần 11.000 phần quà, hỗ trợ vốn chăn nuôi, hỗ trợ hộ khó khăn đột xuất. Thị hội Bình Minh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Thị Đoàn tổ chức cây ATM gạo.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN