Sợ COVID- 19, nhiều người chích vắc xin ngừa bệnh cúm

Cập nhật, 11:26, Thứ Sáu, 06/03/2020 (GMT+7)

Người dân ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình- nhất là khi dịch COVID-19 nguy hiểm đang diễn biến phức tạp. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhiều người dân Vĩnh Long đến các trung tâm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh chích ngừa cúm bởi đây là biện pháp được khuyến khích để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Người dân chủ động đến chích ngừa cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long.
Người dân chủ động đến chích ngừa cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long.

Cuối tuần, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long có khá đông người đến đăng ký chích ngừa cúm.

Vừa dỗ dành con gái An Nhiên (4 tuổi) đang khóc vì đau do mới chích ngừa cúm, chị Mai Anh (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Trước đây thì tôi chỉ có chích cúm mỗi năm cho con gái thôi nhưng tình hình dịch bệnh như vậy cả nhà tôi 6 người gồm ba mẹ, 2 vợ chồng, em trai và con gái đều đến chích ngừa cúm hết. Dù biết dịch COVID-19 chưa có vắc xin phòng ngừa, nhưng chích cúm để phòng tránh cúm và mình an tâm hơn”.

Từ khi xuất hiện dịch COVID-19, nhiều người dân, trong đó có anh Nguyễn Văn Nam (phường Tân Hòa- TP Vĩnh Long) hiểu ra được rằng việc chích ngừa vắc xin để phòng ngừa bệnh là rất quan trọng. Hiểu vậy, nên vợ chồng anh và 2 con đều chích ngừa cúm.

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc chích ngừa cúm có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh này. Do vậy, người dân nên chích ngừa cúm, đặc biệt những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người mắc các bệnh mãn tính vì những người này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Anh Nam cho biết: “Hôm rồi đến chích ngừa hết vắc xin cúm, hôm nay mới có lại đó. Con trai 5 tuổi và con gái 2 tuổi chích cúm xong, đợi 2 tuần anh cho chích tiếp phế cầu nữa. Lúc trước, anh chích theo chương trình tiêm chủng quốc gia, không có chích thêm. 

Nay hiểu 2 vắc xin này giúp ngừa vi khuẩn lây qua đường hô hấp gây ra các bệnh lý về tai- mũi- họng nên chích cho con có đề kháng phòng bệnh”.

Cũng vừa chích ngừa cúm, bà Lê Thị Ngọc Minh (65 tuổi, thị trấn Vũng Liêm) cho biết: “Già mang nhiều bệnh, đề kháng kém nên các con chở tui đi chích ngừa để phòng bệnh”.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, SARS-CoV-2 không gây ra bệnh cảm cúm mà gây bệnh cảm lạnh.

Vì vậy, việc chích vắc xin cúm không thể bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, việc chủ động ngừa cúm là tốt vì sẽ hạn chế được bệnh này.

Trong tình hình diễn tiến dịch bệnh đang phức tạp, các vắc xin cần ưu tiên đi chích ngừa hiện nay liên quan đến các bệnh lý do vi rút, vi khuẩn lây từ người qua người theo đường hô hấp, có nguy cơ diễn tiến nặng ở trẻ nhỏ và người già như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm màng não...

Đó là các loại vắc xin phòng cúm, phòng phế cầu, phòng não mô cầu. Việc chích ngừa các vắc xin này không chỉ có tác dụng phòng các bệnh nguy hiểm kể trên mà còn giúp dễ dàng loại trừ yếu tố nguy cơ gây bệnh nếu có các triệu chứng bệnh tương đồng với COVID-19.

Đối tượng dễ nhiễm SAR-CoV-2 là người có sức đề kháng yếu hoặc có các bệnh nền. Do đó, việc cần làm ngay lúc này không chỉ là đeo khẩu trang, rửa tay sạch mà còn là ăn uống đủ chất và bổ sung kháng thể.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, nếu chúng ta không tiêm vắc xin cúm, bị mắc cúm trong thời điểm này thì sẽ gây ra sự lo lắng rằng liệu bản thân mình có bị nhiễm vi rút SAR-CoV-2 hay không. Như vậy, khi tiêm vắc xin cúm, không bị cúm thì ta sẽ không có sự lo lắng không cần thiết này.

Trong trường hợp chúng ta mắc phải 2 bệnh cùng 1 lúc (hiếm xảy ra), vừa bị cúm, vừa bị nhiễm SAR-CoV-2 sẽ khiến tình trạng bệnh càng nặng nề hơn. Do đó, nếu tiêm ngừa cúm, ta sẽ không bị nhiễm cùng lúc cả 2 loại bệnh nêu trên và tình trạng bệnh cũng không quá nghiêm trọng.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG