Nguyên nhân gây bệnh nha chu và cách phòng ngừa

Cập nhật, 11:26, Thứ Sáu, 06/03/2020 (GMT+7)

Xin bác sĩ cho biết, nguyên nhân gây bệnh nha chu và cách phòng ngừa bệnh nha chu như thế nào?

Trần Nguyễn Như Thành (Tân Hội- TP Vĩnh Long)

Trả lời: Viêm nha chu là do sự gia tăng số lượng và chủng loại vi khuẩn thông qua sự tích tụ mảng bám. Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố góp phần làm cho tình trạng viêm nha chu nặng hơn như: giải phẫu răng không thuận lợi, sâu răng không điều trị, răng lệch lạc, stress, hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng (thiếu can xi, vitamin C, E, A…), bệnh loãng xương, suy giảm estrogen, thay đổi nội tiết tố (trong thai kỳ, bệnh đái tháo đường…), dùng thuốc (chống động kinh, thuốc ngừa thai…). 

Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến viêm nha chu mà đa số người dân không ngờ đến là do kỹ thuật phục hồi răng không đúng phương pháp.

Bệnh lý nha chu là một bệnh lý có thể không hồi phục như ban đầu, bởi tình trạng tiêu xương có thể không phục hồi hoàn toàn và là bệnh lý có tỷ lệ tái phát cao diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng cụ thể để bệnh nhân dễ dàng phát hiện.

Do vậy, ý thức dự phòng và chăm sóc sức khỏe răng miệng của chính bệnh nhân một cách đều đặn, thường xuyên và định kỳ là quan trọng.

Vệ sinh răng miệng đúng cách: giữ gìn răng miệng sạch sẽ, chải răng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ với bàn chải mềm. Đồng thời kết hợp với chỉ nha khoa, nước súc miệng… để làm sạch các kẽ răng, loại bỏ mảng bám vi khuẩn gây bệnh. Không nên dùng tăm vì sẽ gây tụt nướu và thưa kẽ răng, thay mới bàn chải mới mỗi 3 tháng.

Kiểm tra răng miệng định kỳ: Giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường trong khoang miệng cũng như hệ thống nha chu. Nên cạo vôi răng mỗi 4- 6 tháng bởi cao răng chứa rất nhiều vi khuẩn và là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh viêm nha chu.

Chế độ dinh dưỡng: Hạn chế ăn các thức ăn nhiều đường, tránh bia, rượu, hút thuốc lá.

Đối với phụ nữ trong thai kỳ cần giữ gìn răng, miệng thật tốt, cạo vôi răng định kỳ để ngăn ngừa mảng bám vi khuẩn gây viêm nha chu do thai nghén…

Nếu cần thiết bạn nên đến Khoa Răng- Bệnh viện Đa khoa tỉnh để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị cho bạn.

BS Phan Gia Hoàng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)