Sức lan tỏa "vì an sinh xã hội"

Cập nhật, 17:08, Chủ Nhật, 25/03/2018 (GMT+7)

Công tác an sinh xã hội luôn được Vĩnh Long xem là một nhiệm vụ quan trọng. Bởi lẽ, vận động mọi nguồn lực để chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo có cuộc sống tốt hơn luôn đồng hành với sự phát triển của tỉnh nhà.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Định (85 tuổi, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) cười móm mém khi được Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm.
Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Định (85 tuổi, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) cười móm mém khi được Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm.

Tận lực chăm lo gia đình chính sách

Bằng lòng tri ân, việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công được các cấp ủy Đảng xem là việc làm thường xuyên và liên tục.

Thời gian qua, bên cạnh các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, công tác đền ơn đáp nghĩa ở Vĩnh Long còn được sự chung tay của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, góp phần đem đến niềm vui và cuộc sống tốt hơn cho các gia đình chính sách.

Trong cái tất bật lo toan chung, vào các dịp lễ, tết hàng năm các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Long vẫn không quên thăm viếng các mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. 

Thể hiện rõ ràng đạo lý, truyền thống đầy tính nhân văn “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. 

Dịp lễ 27/7/2017, Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Định (85 tuổi, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) cười móm mém, xuýt xoa nắm chặt bàn tay của Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh (nhân chuyến thăm và tặng quà cho gia đình chính sách của Phó Chủ tịch nước- PV): “Mẹ vui lắm. Mẹ rất tự hào vì chồng con của mẹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc và giờ đây mẹ còn có rất nhiều người con khác”.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, Vĩnh Long hiện có trên 22.000 gia đình thương binh- liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng được hưởng chính sách và 230 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.

Các chế độ đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa góp phần đáng kể trong xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ vốn sản xuất cho người có công, gia đình chính sách.

Từ năm 2014- 2017, Vĩnh Long hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa trên 5.070 căn nhà tình nghĩa. Hơn phân nửa số kinh phí này do các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân trong ngoài tỉnh tự nguyện đóng góp bằng tình cảm và trách nhiệm của mình.

Thành tựu an sinh xã hội

Trong từng giai đoạn, Vĩnh Long đều dồn sức và nguồn lực để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cũng như thực hiện an sinh xã hội.

“Cho cần câu thay vì cho con cá”- với phương châm này, năm qua, nhiều chính sách giảm nghèo của tỉnh tiếp tục được triển khai. Trong đó, hỗ trợ sinh kế, cho vay phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động được xem là những giải pháp giảm nghèo bền vững.

Được hỗ trợ mái ấm, chị Nguyễn Thúy Loan (xã Bình Phước- Mang Thít) quyết tâm: “Có được nhà rồi, thêm động lực mần ăn để lo con cái được đầy đủ, ấm no. Địa phương còn giúp vốn vay ưu đãi mua bò nuôi. Thoát nghèo rồi, tui mừng vui lắm!”

Đóng góp tích cực trong công tác này là MTTQ Việt Nam các cấp. Do phát huy tốt vai trò cầu nối thông qua cuộc vận động quỹ Vì người nghèo hàng năm, đã kết nối được ngày càng nhiều tấm lòng, cùng chung tay đóng góp.

Xuất khẩu lao động là kênh giảm nghèo hiệu quả và bền vững.
Xuất khẩu lao động là kênh giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Năm 2017, Vĩnh Long vận động quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội hơn 792 tỷ đồng, đạt gấp 3 lần kế hoạch đề ra. Trong đó, quỹ Vì người nghèo 3 cấp trong tỉnh thu được gần 49 tỷ đồng, vượt gần 22% kế hoạch, đạt cao nhất từ trước tới nay.

Từ nguồn quỹ trên và nguồn vận động khác, tỉnh cất mới gần 1.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ vốn làm kinh tế, điều trị bệnh; cấp thẻ BHYT;…

Theo ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- các hoạt động an sinh xã hội trong tỉnh tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh, trở thành hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo cho người nghèo có đời sống tốt hơn, ổn định hơn.

Nhiều người nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, biết làm ăn vươn lên thoát nghèo.  Ảnh: TL
Nhiều người nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, biết làm ăn vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TL

Trong thời gian tới, ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, công tác an sinh xã hội tiếp tục được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Bởi lẽ, vận động nguồn lực để chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo có cuộc sống tốt hơn làthể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và tính nhân văn của dân tộc.

Năm 2018, với chủ đề “Vì người nghèo và an sinh xã hội”, toàn tỉnh phấn đấu đạt quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp là 42 tỷ đồng, dự kiến thực hiện các chương trình an sinh xã hội đạt 810 tỷ đồng.

 

Để thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như: hỗ trợ thêm 30% mệnh giá thẻ BHYT cho hộ cận nghèo; hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò, nâng cao đời sống;

 

hỗ trợ nhà ở hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer; hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020...

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN