Chuyện rác thải- nhìn từ ý thức người dân

Cập nhật, 15:04, Thứ Năm, 22/03/2018 (GMT+7)

 

Những đống rác tự phát không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống, còn gây cản trở giao thông. Ảnh chụp trên QL53 (đoạn xã Long Phước- Long Hồ).
Những đống rác tự phát không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống, còn gây cản trở giao thông. Ảnh chụp trên QL53 (đoạn xã Long Phước- Long Hồ).

Nhiều bạn đọc phản ánh, thời gian qua tình trạng ô nhiễm môi trường do tập kết rác thải không đúng nơi quy định ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, mỹ quan đô thị.

Dù ngành chức năng đã có những giải pháp khắc phục vấn nạn trên, song tình trạng người dân thiếu ý thức, xả rác bừa bãi vẫn diễn ra thường xuyên.

Thiếu ý thức, vứt rác thành thói quen

“Hãy cho tôi rác”, “Vui lòng bỏ rác vào thùng”- những dòng chữ nhắc nhở trên các thùng rác tại nơi công cộng là chuyện nhiều người biết, nhưng phần đông đều phớt lờ.

Xả rác nơi công cộng, quăng rác khi đang lưu thông trên đường để lại những hình ảnh không đẹp. Song, những hình ảnh này lại diễn ra hàng ngày, thậm chí ngay tại những nơi có đặt thùng rác nhưng nhiều người vẫn “vô tư” vứt rác cạnh đó.

Theo phản ánh của nhiều người dân, tại một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh xuất hiện những đống rác lớn và tồn tại trong thời gian dài, không chỉ làm ảnh hưởng mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe các hộ sinh sống xung quanh.

Đơn cử như trên QL53, QL57- qua địa phận các xã thuộc huyện Long Hồ, người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp các loại rác thải sinh hoạt, túi ny lông,… tràn lan bên lề đường, dù tại các nơi này có xe thu gom rác đi qua.

Người dân địa phương cho biết đây là hệ lụy của việc nhiều người thiếu ý thức, cứ thấy nơi nào có rác là vứt ở đó, lâu ngày không có người thu gom nên các đống rác lớn dần. Tương tự, tại các vùng nông thôn, nhiều hố chứa rác thải bao thuốc bảo vệ thực vật cũng trở thành điểm tập kết rác.

Nhiều người còn xem việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng là việc làm hết sức bình thường. Song, họ làm như không hiểu sự bức xúc, nỗi khổ của những người phải gánh chịu hậu quả mà họ gây ra.

“Xe thu gom rác thì lấy rác theo giờ và chỉ lấy rác trong thùng, còn người đi đường không có ý thức, lén lút đem rác đến đổ hoặc tiện tay quăng đại, dẫn đến tình trạng rác ùn ứ, bốc mùi hôi thối chịu không nổi”- một người dân sống gần điểm tập kết rác tự phát ngán ngẩm.

Hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật cũng trở thành nơi đổ rác- hình ảnh hay bắt gặp ở vùng nông thôn hiện nay.
Hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật cũng trở thành nơi đổ rác- hình ảnh hay bắt gặp ở vùng nông thôn hiện nay.

Vào các dịp lễ tết, việc tổ chức các chương trình vui chơi thu hút nhiều người tham dự, hệ lụy kéo theo đó là việc đám đông vô tư xả rác. Và những hình ảnh rất không đẹp chúng ta thường bắt gặp sau đó là “người đi về, rác ở lại” khi nhiều người ỷ lại việc dọn dẹp rác đã có công nhân vệ sinh môi trường.

Bỏ rác đúng nơi quy định- một hành động nhỏ nhưng lại khó thực hiện với nhiều người, bởi nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường còn rất kém. Vì thế, không lý do nào có thể bao biện cho hành vi xả rác bừa bãi.

Cần xử phạt nghiêm để răn đe

Tại nhiều nơi trên thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được quan tâm hàng đầu. Ở một số quốc gia, hành vi xả rác nơi công cộng bị xã hội lên án mạnh mẽ và xem là đáng xấu hổ, phải nhận những hình phạt thích đáng.

Chẳng hạn như ở Singapore, người xả rác bừa bãi ngoài việc nộp tiền phạt còn phải lao động công ích (quét đường), nếu tái phạm sẽ chịu những hình phạt nặng hơn. Hay tại Mỹ, kèm theo mức phạt tiền người vi phạm còn phải chịu án phạt tù từ 10 ngày đến 6 năm.

Ở nước ta, hiện mức xử phạt đối với hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định cũng không hề thấp.

Cụ thể, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ tháng 2/2017) thì mức xử phạt đối với các hành vi vứt đầu, mẫu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000- 1.000.000đ; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại phạt từ 3- 5 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước phạt từ 5- 7 triệu đồng...

Mức phạt cao là như vậy nhưng cho đến nay tình trạng vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, đặc biệt là ven các tuyến đường, trước khu công nghiệp vẫn chưa được kéo giảm, gây phản cảm trong mắt du khách và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Điều này bắt nguồn từ hành vi xả rác bừa bãi đã trở thành thói quen đối với những người “đi ra đường nhưng để quên ý thức ở nhà”, “trong nhà nhất định phải sạch sẽ nhưng ngoài đường thì không cần biết thế nào”, thế nên chỉ có giải pháp xử phạt thật nghiêm mới mong hạn chế được vấn nạn trên.

Một khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân không thay đổi thì “bài toán rác thải” vẫn là vấn đề nan giải.
Một khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân không thay đổi thì “bài toán rác thải” vẫn là vấn đề nan giải.

Có thể thấy, việc bỏ rác đúng nơi quy định không phải khó thực hiện. Thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành. Điều quan trọng là nếu xã hội lên án mạnh mẽ việc xả rác bừa bãi thì mỗi cá nhân sẽ tự có ý thức và chấn chỉnh hành vi của mình.

Bên cạnh đó, việc giáo dục ý thức cho người dân về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng và bảo vệ môi trường cần được quan tâm thường xuyên hơn.

Bởi trẻ em có thể được giáo dục tốt tại nhà trường về việc không xả rác bừa bãi, song hàng ngày khi chứng kiến người lớn thản nhiên xả rác thì việc bắt chước hành vi này là điều khó tránh khỏi.