Vẫn loay hoay bài toán giao thông đô thị TP.HCM

Cập nhật, 16:13, Thứ Tư, 30/03/2016 (GMT+7)

Theo các chuyên gia, nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông dùng từ đột phá nghe to tát lắm, thế nhưng việc lấn chiếm lòng đường cứ kéo dài mấy chục năm nay, giao thông vẫn ùn tắc.

Kẹt xe vẫn là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Kẹt xe vẫn là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã tham dự và đưa ra các bài giải bài toán giao thông TP.HCM tại Hội thảo “Các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 ở TP.HCM” do Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM và Trường Đại học Quốc Tế - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Lấn chiếm vỉa hè, không còn đường nào "kiểu mẫu"

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp - Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết hai chục năm nay rất nhiều địa phương đăng ký tuyến đường mẫu, khu phố văn minh đô thị nhưng thực tế là chẳng có tuyến đường nào là đường mẫu và văn minh đô thị khi vỉa hè bị lấn chiếm thành điểm buôn bán…

Ông Hiệp dẫn chứng vào buổi tối lề đường Nguyễn Trãi bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán không còn lối cho người đi bộ, thậm chí chiếm dụng cả lòng đường không còn chỗ cho xe chạy.

Theo ông Hiệp, TP không nên “đánh trống, bỏ dùi” trong chuyện lấn chiếm lòng, lề đường, các địa phương cần khoanh khu vực cho những người nghèo buôn bán nhỏ để trả lại lòng lề đường cho người đi bộ.

Đồng tình với ý kiến này, một số đại biểu cho rằng các giải pháp chống ùn tắc và kéo giảm tai nạn giao thông sử dụng những từ đột phá nghe to tát lắm, thế nhưng việc lấn chiếm lòng đường cứ kéo dài mấy chục năm nay ở TP mà đến nay chưa xử lý được.

Mãi đến vừa rồi câu chuyện này lại được lãnh đạo TP nêu lên cho thấy việc xử phạt người đi bộ không hợp lý, khi mà người đi bộ không có chỗ đi trên vỉa hè.

Nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ông Hiệp đưa ra giải pháp: cần tăng nặng mức xử phạt thậm chí gấp 3 lần so với mức phạt vi phạm giao thông hiện nay. Nếu không thể áp dụng mức phạt tăng đại trà trên cả nước, cần cho phép các đô thị lớn có cơ chế riêng để bảo đảm pháp luật.

Theo ông Hiệp, khi người bị phạt nặng đến mức họ “sót ruột” thì mới ý thức giao thông cao.

Đồng thời cần xứ lý mạnh đối với các cá nhân trong lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông không làm tròn nhiệm vụ khi để xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông nghiêm trọng mà hậu quả được xác định là do sự chểnh mảng gây ra.

Đẩy nhanh công trình theo qui hoạch

TS Huỳnh Thế Du - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng khâu đột phá là phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng chứ không phải xây thêm đường.

Ông Du bày tỏ lo lắng sắp tới sẽ không có hành khách đi tuyến metro số 1 Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9, đang xây dựng) vì Xa lộ Hà Nội đã được mở rộng không còn kẹt xe. Xây dựng thêm đường sẽ khiến nhiều người có xu hướng mua thêm xe cá nhân và sử dụng thường xuyên hơn.

Vì vậy, ông Du đề nghị trong những năm tới tập trung tăng gấp 2-3 lần số lượng xe buýt so với hiện nay, thay vì tập trung vốn làm đường mới.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đến nay TP.HCM đã có trên 10 triệu người, trong đó có người nhập cư, trong khi đó mạng lưới giao thông công cộng lại chưa phát triển đang đặt ra bài toán cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách.

Để giải quyết kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, cần phải tổ chức lại giao thông. Đồng thời cần triển khai tốt qui hoạch giao thông vận tải TP.HCM đã được phê duyệt.

Theo đó, cần xây dựng các tuyến đường vành đai, đường sắt nội đô, đường cao tốc và cần đặt ra thứ tự ưu tiên để xác định công trình nào cần làm trước.

Sử dụng công nghệ giảm kẹt xe

PGS - TS Hồ Thanh Phong và nhóm nghiêm cứu Trường Đại học Quốc tế đã đưa ra những gỉai pháp công nghệ nhằm giảm kẹt xe tại TP.HCM.

Theo ông Phong, tình hình giao thông tại TP sẽ ngày càng xấu hơn nếu không có những phương án cải thiện mạnh mẽ.

Nhiều công trình làm đường, xây cầu chưa tính đến yếu tố động của giao thông, thiết kế giao thông còn nhiều bất cập như vòng xoay và tiểu đảo ở giao lộ Phạm Văn Đồng - Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn quá to gây ra ùn tắc.

Với mục tiêu xây dựng TP thành “thành phố thông minh”, đáng sống, trong đó cải thiện giao thông là yêu cầu bức bách, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng “hệ thống giao thông thông minh” ở dạng mẫu để quản lý điều hành giao thông và ra quyết định tức thời để xử lý tình trạng giao thông.

Hiện nay hệ thống giao thông thông minh đang triển khai thí điểm trên mô hình ở Q.10, vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) đã thu kết quả tin cậy.

Việc ứng dụng chương trình mô phỏng giúp hỗ trợ các cấp quản lý ra quyết định đầu tư, phân luồng giao thông, mở thêm đường….để tìm ra phương án tốt nhất.

Theo TTO