Thi môn xã hội, chọn ngành gì?

Cập nhật, 08:10, Thứ Tư, 30/03/2016 (GMT+7)

Ngành của các khối xã hội ít hơn ngành của khối tự nhiên. Tuy nhiên, cơ hội việc làm của các ngành xã hội cũng hấp dẫn không kém. Nếu bạn có thế mạnh môn xã hội, hãy tự tin chọn ngành đúng sở thích.

Nhiều học sinh quan tâm đến ngành xã hội.
Nhiều học sinh quan tâm đến ngành xã hội.

Muốn làm nhà báo, cần gì?

Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh ở TP Cần Thơ, một học sinh hỏi TS. Phạm Tấn Hạ- Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học- Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh: “Em muốn làm nhà báo thì có nhất thiết phải học ngành báo chí không? Những trường nào đào tạo hệ ĐH ngành này?”

TS. Phạm Tấn Hạ cho rằng: “Nếu em có tố chất làm báo thì em có thể học nhiều ngành khác nhau. Theo tôi biết, rất nhiều nhà báo giỏi không học ngành báo chí”. Ngoài Trường ĐH Khoa học- Xã hội và Nhân văn tuyển sinh ngành báo chí còn có Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh ngành này.

Năm 2016, Trường ĐH Khoa học- Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh tuyển sinh ngành báo chí với 130 chỉ tiêu, điểm chuẩn ngành này năm 2015 từ 23,75 điểm trở lên. Có 3 tổ hợp môn để học sinh lựa chọn là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh.

Năm nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có 435 chỉ tiêu cho ngành báo chí với nhiều chuyên ngành khác nhau. Có 3 tổ hợp môn thi: Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Toán; Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Lịch sử và Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Tiếng Anh.

Môn Năng khiếu báo chí do học viện tổ chức thi riêng, 2 môn còn lại xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia. Điểm chuẩn ngành báo chí của học viện năm 2015 từ 19 điểm trở lên, tuyển sinh trong cả nước.

Ngành du lịch, cơ hội ra sao?

Nhiều học sinh nữ quan tâm đến ngành du lịch. Theo các chuyên gia tư vấn thì lao động ở lĩnh vực dịch vụ là rất cần thiết và du lịch là một trong số những ngành đó. ĐBSCL đang đầu tư phát triển du lịch và nhu cầu ngành này rất lớn và rất đa dạng, từ trung cấp, CĐ và ĐH.

Ngành du lịch có nhiều chuyên ngành khác nhau ở 3 lĩnh vực: điều hành du lịch, hướng dẫn viên du lịch và quản lý doanh nghiệp lữ hành. Tố chất chung cho ngành này là sự năng động, khả năng thuyết trình, có tính cách hướng ngoại, giao tiếp tốt, sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc…

Có rất nhiều trường đào tạo ngành du lịch, điểm chuẩn, học phí cũng không giống nhau. Trường ĐH Cửu Long lấy điểm chuẩn bằng điểm ngưỡng của Bộ GD- ĐT, Trường ĐH Cần Thơ điểm chuẩn ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 2015 là 21,25 điểm, Trường ĐH Tài chính- Marketing năm 2015 là 21,75; ngành quản trị nhà hàng và khách sạn là 21,5 điểm.

Học ngành tâm lý ra  sẽ làm gì?

Với ngành tâm lý học, có thể làm rất nhiều ngành nghề khác nhau: chăm sóc khách hàng, trị bệnh tâm lý, quản lý hoặc tuyển dụng nhân sự, nghiên cứu thị trường, làm việc ở lĩnh vực văn hóa,…

Trường ĐH Khoa học- Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng đây là ngành có nhu cầu nhân lực cao. Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu được tư vấn, chia sẻ tâm lý ngày càng cao, đặc biệt là nhu cầu tư vấn về tâm thần.

Học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức căn bản về khoa học- xã hội và nhân văn nói chung, ngành tâm lý học nói riêng. Kiến thức về các lĩnh vực: tâm lý học xã hội, tâm lý học quản lý- kinh doanh, tâm lý học lâm sàn và tâm lý học tham vấn.

Qua chương trình học, sinh viên sẽ được đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp như thiết kế, triển khai nghiên cứu; kỹ năng nghề nghiệp trong các chuyên ngành chuyên sâu.

Ngành tâm lý được đào tạo ở một số trường ĐH, với điểm đầu vào tương đối cao. Trường ĐH Khoa học- Xã hội và Nhân văn điểm chuẩn 2015 từ 23 trở lên. Năm 2016, trường tuyển 100 chỉ tiêu; Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chỉ tiêu 2016 là 110 sinh viên, điểm chuẩn 2015 là 21,25 điểm. Khối thi truyền thống của ngành tâm lý là C và D1.

Để chọn ngành đúng năng lực, trước hết học sinh cần hiểu rõ thế mạnh của mình. Nếu thế mạnh của bạn là các môn xã hội thì đừng ngần ngại chọn những môn thi theo khối này. Con đường xét tuyển của các môn xã hội tuy không lớn bằng tự nhiên nhưng sự cạnh tranh cũng ít hơn nhiều.

TS. Phạm Tấn Hạ tư vấn cho một phụ huynh có con chọn khối D3: “Khối D1 có hướng xét tuyển rộng hơn D3. Tuy nhiên, tôi khuyên chị nên để con tự chọn lựa khối thi mà cháu tự tin nhất. Vì để giỏi một ngôn ngữ không phải dễ. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của con để cháu có hướng phấn đấu rõ ràng”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN