Đền ơn đáp nghĩa- nhiệm vụ từ trái tim

Cập nhật, 16:54, Thứ Tư, 02/09/2015 (GMT+7)

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, 40 năm qua, bên cạnh việc giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta đối với người có công (NCC), tỉnh Vĩnh Long còn có nhiều chương trình, nhiều việc làm tình nghĩa, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình NCC với cách mạng vươn lên ổn định cuộc sống.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Cơ (92 tuổi, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Cơ (92 tuổi, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh).

Ấm lòng Mẹ Việt Nam anh hùng

Cùng với cả nước, hơn 16.000 người con của quê hương Vĩnh Long đã ngã xuống trên các chiến trường, hàng ngàn người mang theo thương tật chiến tranh. Thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ, Vĩnh Long có thêm 1.669 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nâng tổng số đến nay, tỉnh có 2.542 mẹ được Đảng và Nhà nước truy tặng và phong tặng danh hiệu cao
quý này.

Mẹ Nguyễn Thị Bông (86 tuổi, xã Trung Hiệp-Vũng Liêm) xúc động: “Mẹ tự hào và vinh dự khi được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ sẽ giáo dục con cháu về lòng yêu nước, tinh thần hy sinh vì cách mạng Việt Nam”.

Nhắc đến “ngày tiễn chồng con đi kháng chiến”, mẹ Trương Thị Huỳnh (xã Hòa Hiệp- Tam Bình) không khỏi chạnh lòng. Nhưng đối với mẹ, nỗi đau mất mát đó giờ đây cũng được nguôi ngoai phần nào từ tấm lòng và việc quan tâm thường xuyên từ Công ty TNHH Tỷ Xuân- đơn vị nhận phụng dưỡng. Mẹ Huỳnh là 1 trong 5 mẹ Việt Nam anh hùng được công ty nhận phụng dưỡng. Cùng với các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, sự thăm hỏi, chăm lo thiết thực về mặt vật chất, tinh thần từ công nhân viên công ty, phần nào giúp các mẹ vơi bớt nỗi đau mất mát, hy sinh; yên tâm sống vui, sống khỏe bên con cháu.

Với tấm lòng tôn kính và biết ơn, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời tất cả các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Mỗi mẹ được trợ cấp thêm một số tiền trang trải cuộc sống tuổi già. Vào các dịp lễ tết, các đơn vị nhận phụng dưỡng còn cử người đến thăm hỏi tặng quà cho các mẹ. Số tiền trợ cấp được trích từ khoản tiết kiệm chi tiêu của các đơn vị, tuy không nhiều nhưng đã thể hiện tấm lòng và trách nhiệm của những người đang sống hôm nay đối với những người mẹ đã có những cống hiến lớn lao cho ngày thống nhất đất nước.

Đền ơn đáp nghĩa- nhiệm vụ từ trái tim

Theo ông Lê Quang Đạo- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung vận động xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa. Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa được các cơ quan, đơn vị tích cực hưởng ứng. Qua 40 năm, tỉnh vận động được trên 70 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa trên 12.500 căn nhà tình nghĩa; vận động đóng góp quỹ Đền ơn đáp nghĩa với tổng kinh phí trên 62 tỷ đồng. Đồng thời, thăm viếng, trợ cấp đột xuất cho đối tượng chính sách ốm đau, rủi ro, tai nạn, hỗ trợ NCC cải thiện đời sống, thoát nghèo. Những đóng góp thiết thực không chỉ thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn đối với NCC với nước, mà còn góp phần giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Vĩnh Long phấn đấu đến cuối quý III/2015, sẽ hoàn thành cơ bản về nhà ở cho NCC với cách mạng còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn.
Vĩnh Long phấn đấu đến cuối quý III/2015, sẽ hoàn thành cơ bản về nhà ở cho NCC với cách mạng còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Tháng 7 vừa qua, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Quyên (ấp Vĩnh Khánh 2, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) được Công ty TNHH 1TV Cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ kinh phí để xây cất nhà tình nghĩa nhằm tri ân sự đóng góp hy sinh, chia sẻ một phần khó khăn về vật chất và tinh thần với mẹ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chồng và con trai của mẹ đã anh dũng hy sinh. Đây là mất mát không gì bù đắp được nhưng mẹ luôn cảm thấy ấm lòng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước
và cộng đồng xã hội.

Những năm qua, đối tượng NCC còn được ưu tiên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, để trồng trọt, chăn nuôi phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án 1956 của Chính Phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn, đối tượng tuyển sinh các lớp dạy nghề do các hội đoàn thể tổ chức bao giờ cũng ưu tiên cho con, em của liệt sĩ, thương binh, NCC đăng ký học.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh: Hướng tới, tỉnh vẫn tiếp tục đảm bảo các chính sách ưu đãi NCC được thực hiện tốt nhất. Bởi làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với những NCC. Đặc biệt, hết lòng chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; thực hiện cơ bản giải quyết nhà ở, sửa chữa và xây cất nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Các chính sách liên quan đến BHYT, giáo dục, việc làm,… tạo cho NCC có điều kiện lao động sản xuất, tạo thu nhập đạt mức trung bình khá trở lên.

Thực hiện chính sách đối với NCC, từ năm 1992 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị Nhà nước công nhận trên 70.400 trường hợp, là Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, gia đình nuôi chứa cán bộ cách mạng. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước ta đối với những NCC với đất nước trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và trong giúp bạn Campuchia. Hiện đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 12.436 người với kinh phí trên 18 tỷ đồng/tháng, mua BHYT kịp thời cho đối tượng trong khâu khám, điều trị bệnh. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức thăm viếng, động viên, tặng quà cho các đối tượng NCC vào các dịp lễ, tết hàng năm, đưa NCC đi điều dưỡng, tham quan nghỉ mát với kinh phí thực hiện hàng chục tỷ đồng/năm.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN