Đền ơn đáp nghĩa người có công

Cập nhật, 12:28, Thứ Năm, 14/08/2014 (GMT+7)


Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã góp phần cùng ngân sách thực hiện xây dựng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.
Ảnh: THÚY QUYÊN

Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa với người có công, tỉnh Vĩnh Long từng bước hoàn thiện, xác định đây là chính sách lớn, là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Công tác này luôn thu hút được sự chung tay góp sức của mọi tầng lớp nhân dân, tạo hiệu quả thiết thực.

Đền ơn đáp nghĩa là đạo lý, là trách nhiệm

Vĩnh Long hiện có 2.323 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó gần 300 mẹ còn sống. Ngoài 236 mẹ vừa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo Nghị định 56, các mẹ được phong tặng danh hiệu trước đây đều được các cơ quan đơn vị phụng dưỡng suốt đời qua việc thường xuyên thăm hỏi, chăm lo khi ốm đau và chu cấp tiền hàng tháng để chi tiêu.

Đây là sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội cùng với Đảng, Nhà nước, phần nào động viên an ủi giúp các mẹ ổn định cuộc sống sau những mất mát, hy sinh.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Chương (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) năm nay đã 103 tuổi, song mắt mẹ vẫn còn sáng, tâm trí minh mẫn. Mẹ có 3 người con đã hy sinh, hiện sống với gia đình cháu nội trai và có nhiều cháu chắt. Điều làm mẹ hạnh phúc nhất là các cháu ngoan ngoãn, gia đình sống hòa thuận vui vẻ, mọi người yêu thương và quan tâm đến mẹ…

Mẹ quý trọng và hạnh phúc bởi những điều rất đỗi bình dị, đời thường. Có lẽ cách sống và suy nghĩ đơn giản ấy đã giúp mẹ luôn vui khỏe và trường thọ.

Sở Nội vụ tỉnh là đơn vị phụng dưỡng mẹ Chương, thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe mẹ. Tình cảm và sự quan tâm của địa phương, chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước giúp mẹ ấm lòng, vui sống.

Đến nay Vĩnh Long đã xây dựng và sửa chữa gần 7.970 căn nhà tình nghĩa cho gia đình có công cách mạng. Trị giá mỗi căn hiện nay là 40 triệu đồng. Các cấp ủy chính quyền, từng địa phương cũng tăng cường vận động thêm các nguồn đóng góp để mỗi căn nhà đảm bảo “3 cứng” (cứng nền, cứng mái, cứng cột).

Căn nhà tình nghĩa của anh Trần Văn Năm (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) được xây dựng là do địa phương vận động được từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long.

Căn nhà là sự tri ân thiết thực dành cho gia đình liệt sĩ Trần Văn Lục. Nhiều năm nay, gia đình anh phải sống rất tạm bợ trong căn nhà thiếu chắc chắn. Mưa to gió lớn hàng năm ảnh hưởng đến đời sống. Có nhà mới như chờ đón một sự khởi sắc mới trong cuộc sống.

Anh Năm tâm sự: “Ông già hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Nhà cất lâu rồi nên xuống cấp nặng, mà vợ chồng tui mần mướn nên không có tiền cất lại. Nay nhờ Nhà nước mới có nhà mới. Cả nhà tôi mừng lắm”.

Tuyên truyền thực hiện hiện quả chính sách người có công

Thực hiện Nghị quyết, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, thời gian qua, Vĩnh Long từng bước hoàn thiện, xác định đây là chính sách lớn là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Ngoài trợ cấp ưu đãi còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, xây dựng và sửa chữa nhà cho đối tượng chính sách.


Chính sách dành cho người có công của Đảng và Nhà nước đã góp phần giúp các mẹ liệt sĩ nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ảnh: HÀ NGỌC TRẢNG

Phong trào đền ơn đáp nghĩa, tham gia chăm sóc người có công trở thành trách nhiệm của toàn xã hội; đời sống người có công ổn định; tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, để mức sống của người có công, bằng hoặc cao hơn mức sống của khu dân cư;...

Ngoài việc quản lý và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước từ ngân sách, từ quỹ Đền ơn đáp nghĩa để chăm lo gia đình có công cách mạng, các địa phương vận động thêm nguồn quỹ từ các tầng lớp nhân dân để công tác này thêm chất lượng hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra giám sát, phối hợp với các đoàn thể chính trị để đảm bảo các chính sách ưu đãi người có công được thực hiện tốt nhất.

Đồng thời, đề nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cần mở đợt rà soát thực hiện các chính sách đối với người có công ở từng địa phương, bởi làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với những người có công; quan tâm trình độ năng lực đối với cán bộ thực hiện chính sách người có công, phải tận tụy, sâu sát nắm bắt tháo gỡ những vướng mắc ngay cơ sở.

Song song đó, nâng cao đời sống tinh thần cho người có công; quan tâm thực hiện tốt chế độ BHYT đối với người có công, thân nhân liệt sĩ; tập trung giải quyết những hồ sơ còn tồn đọng, rà soát để không bỏ sót đối tượng.

Hiện Vĩnh Long có hơn 16.200 liệt sĩ, hơn 540 thương binh và người thụ hưởng chính sách như thương binh, hơn 2.360 người từng bị địch bắt tù đày và hơn 9.100 người có công cách mạng, người tham gia hoạt động kháng chiến… Nhằm thực hiện tốt chế độ chính sách chăm lo những gia đình này, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực triển khai tốt các hoạt động cất nhà tình nghĩa, cấp phát tiền trợ cấp và các hoạt động chăm lo đời sống…

THÚY QUYÊN