Những con bò nghĩa tình

Cập nhật, 14:00, Thứ Ba, 29/04/2014 (GMT+7)

Ngày 24/4/2014, 150 hộ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hòa Lộc (Tam Bình) đã được Tổ chức Heifer Việt Nam phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long làm lễ trao 150 con bò, giúp bà con có điều kiện làm ăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Tổng kinh phí đợt trao bò lần này trên 1,9 tỷ đồng được Tổ chức Heifer, UBND tỉnh Vĩnh Long và nguồn đối ứng từ cộng đồng hỗ trợ.

Ngoài nhận 1 con bò trị giá 13 triệu đồng, hộ tham gia dự án còn được hỗ trợ 1 triệu đồng làm chuồng, vắc xin và được tập huấn kỹ thuật nuôi… Chương trình thuộc dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo tại tỉnh Vĩnh Long”, thực hiện từ năm 2013- 2018.


Hộ nông dân được hỗ trợ bò và Chi cục Thú y tỉnh ký kết hợp đồng.

Quyết tâm thoát nghèo

Thời tiết oi bức nhưng tại nhà văn hóa xã, buổi lễ trao bò thật rôm rả. Những dự định làm chuồng, trồng cỏ nuôi bò không chỉ ở cánh đàn ông mà nhiều chị, em phụ nữ cũng tham gia bàn tán.

Trong một góc hội trường, chị Hồ Thị Phượng (ấp Hòa An, xã Hòa Lộc) cười vui khi được hỏi han chuyện nuôi bò.
 
Là hộ nghèo trong xã, chỉ có hơn công ruộng nên gia đình chị Phượng gặp nhiều khó khăn khi phải lo cho 2 con ăn học. Chồng chị làm bảo vệ ở TP Vĩnh Long với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng nhưng tốn tiền xăng đi về mỗi ngày nên chẳng còn bao nhiêu”.

Chị Phượng ở nhà làm “thợ đụng” ai kêu gì mần đó, rảnh chị nhận đầu hộp quẹt về gia công, mỗi ngày kiếm chừng 20 ngàn đồng. 2 đứa con học tiểu học nên vợ chồng dù cố gắng làm cũng không sao tích góp được vốn để mua bò về nuôi. Vì vậy, đối với chị, con bò “là tài sản lớn nhất trước giờ có được”.
 
“Tui tận dụng khoảng sân nhỏ để trồng cỏ voi nuôi bò, ráng chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ thú y để bò mau lớn, đẻ ra con nghé để dự án này giúp cho người nghèo khác như mình.”- chị Phượng dự tính.

Cách đó hơn tháng, chị Trần Thị Phượng Linh, ngụ cùng ấp cũng được Heifer trao cho con bò giống. “Bữa nay bò láng da, mập rồi. Mỗi ngày tui cắt cỏ và giặm rơm thêm. Cỏ nhà mới trồng chưa có nhiều”.
 
Chị cho biết, gia đình còn nhiều khó khăn. Ít ruộng vườn, cuộc sống hàng ngày chủ yếu dựa vào tiền làm thuê. “Ngoài đi giặm lúa mướn, tới đợt cặm chèo dưa hấu. Rảnh thì 2 mẹ con gia công hộp quẹt”. Chị Linh dự định sau khi nhận bò nuôi, hàng ngày chị phụ chồng cắt cỏ. Sau 3 năm trả bò nghé lại cho dự án, vợ chồng chị cũng còn bò mẹ trị giá hàng chục triệu đồng.

Sẽ thêm nhiều hộ thoát nghèo

Tổ chức Heifer không chỉ trao “cần câu” mà còn trao “mồi câu” cho hộ nghèo. Phần việc còn lại là sự cần mẫn, chí thú làm ăn của nông hộ. Tại lễ trao bò, nhiều hộ hứa sẽ thực hiện tốt theo dự án, quyết tâm thoát nghèo bền vững.

Ngoài hỗ trợ bò cái cho nông hộ, Dự án Heifer còn thành lập các nhóm phát triển cộng đồng bền vững nhằm tạo điều kiện giúp nhau đỡ trong đời sống, sản xuất. Các tổ nhóm này tổ chức họp định kỳ. Qua đó trao đổi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc bò.


Niềm vui ngày nhận bò do Tổ chức Heifer hỗ trợ.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi Cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, sau 36 tháng nuôi, nếu bò dự án đẻ bò cái thì hộ tham gia sẽ nuôi bằng với trọng lượng bò ban đầu, sau đó trả lại cho ban quản lý dự án tiếp tục hỗ trợ hộ khác.

Còn nếu đẻ bò đực thì hộ tham gia sẽ nuôi lớn rồi bán, sau đó trả lại số tiền bằng số tiền con bò mà dự án hỗ trợ. Trong suốt quá trình nuôi, nếu bò xảy ra vấn đề gì phải báo cho ban quản lý dự án có hướng giải quyết.

“Mô hình phù hợp chiến lược xóa đói giảm nghèo, giúp nông dân ở nông thôn cải thiện đời sống, từng bước tiếp cận được kiến thức chăn nuôi, hiểu biết hơn về thị trường.” - ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm.

Bà Đặng Thị Đoan Trang- Giám đốc Heifer Việt Nam tin rằng, hiệu quả của dự án sẽ giúp địa phương kéo giảm được tỷ lệ hộ nghèo, góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành phong trào xây dựng nông thôn mới.

Heifer Việt Nam trực thuộc Tổ chức Heifer quốc tế, được thành lập vào năm 1987. Năm 2007, Heifer Việt Nam áp dụng mô hình phát triển cộng đồng toàn diện. Đối tượng giúp đỡ là người nghèo, thanh niên, nạn nhân chất độc da cam,… hỗ trợ để phát triển nguồn lực bền vững và lâu dài thông qua sản xuất chăn nuôi, trồng trọt để đạt được thu nhập bền vững.

Bài, ảnh: MINH QUYÊN