Nghệ sĩ múa Phạm Duy Cường: Duyên nghề từ mẹ

Cập nhật, 15:56, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)

Tháng 7/2018, anh Phạm Duy Cường được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Đây là niềm vui của Phân hội Múa (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long) và cũng là niềm vui, niềm tự hào của anh Phạm Duy Cường đã không uổng công theo đuổi nghệ thuật múa Việt Nam.

Anh Phạm Duy Cường ra đời năm 1983 ở TX Hà Tiên (Kiên Giang), là con trai lớn trong gia đình 5 anh em.

Mẹ anh Cường là bà Phan Kim Nguyên từng là diễn viên múa- hát ở Đoàn Văn công tỉnh Kiên Giang. Xem mẹ biểu diễn trên sân khấu từ nhỏ, dần dần tình yêu với nghệ thuật múa như ngấm vào máu thịt.

Lúc đầu, sau khi tốt nghiệp phổ thông anh Duy Cường theo học múa và tham gia phong trào văn nghệ ở TX Hà Tiên. Năm 2002- 2004, anh học Trung cấp múa tại Trường Nghệ thuật văn hóa tỉnh Kiên Giang và từ đó anh chuyển lên hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật múa.

Năm 2006, anh Duy Cường đến Vĩnh Long tham gia Đoàn ca múa nhạc Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long với vai trò là diễn viên múa, kịch, tấu hài đồng thời tham gia Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, tại Phân hội Múa.

Nghệ sĩ Duy Cường biên đạo múa cho các em học sinh ở Long Vĩnh, Duyên Hải, Trà Vinh.
Nghệ sĩ Duy Cường biên đạo múa cho các em học sinh ở Long Vĩnh, Duyên Hải, Trà Vinh.

Năm 2008, duyên đến khi anh nhận dạy múa và biên đạo chương trình mừng Đảng, mừng Xuân cho Trường Tiểu học Nguyễn Du và bén duyên với cô giáo Nguyễn Trần Lan Anh. Năm 2010, họ kết hôn và hiện mái ấm của 2 người ở Phường 3 (TP Vĩnh Long) có thêm đứa con trai.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, anh Duy Cường được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, anh đạt 4 huy chương vàng trong thành tích dàn dựng, biên đạo cho các cơ quan trong và ngoài tỉnh, trong đó có Trường ĐH Cửu Long.

Hiện anh Duy Cường vừa làm nghệ thuật, vừa mở lớp dạy múa cho thiếu nhi tại Trung tâm Hoạt động thanh- thiếu niên và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long.

Nhìn dáng vẻ mập tròn bên ngoài, ít ai nghĩ anh Duy Cường là một nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Khi tiếp xúc, cứ nghĩ anh là nghệ sĩ hài, vì lối nói chuyện hóm hỉnh, có duyên; mà cũng đúng, vì anh cũng từng tham gia diễn kịch, tấu hài.

Tuy vậy, khi vào lớp dạy múa, từng động tác hướng dẫn của anh Duy Cường lại thể hiện sự mềm mại, dẻo dai, điêu luyện,… “Chắc tôi được gien di truyền của mẹ, nên từ nhỏ tay chân đã dẻo, rồi xem mẹ múa làm theo dần dần tay chân càng dẻo và đam mê… rồi trở thành cái nghiệp.

Khi nhận tin được kết nạp hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, tôi vui vô kể. Trải qua thời gian, quá trình sống với nghề và cống hiến vì nghệ thuật, được công nhận danh hiệu nghệ sĩ là niềm vui, niềm ao ước của những người làm nghệ thuật, yêu nghệ thuật”- anh Duy Cường chia sẻ.

Nghề dạy múa cũng như dàn dựng, biên đạo múa có vấn đề nhạy cảm, phải có va chạm tay chân, khi uốn nắn học trò và nhạy cảm hơn khi dạy nữ diễn viên phong trào, cơ quan, nhưng anh Duy Cường luôn được vợ cảm thông và tin tưởng.

Cô Lan Anh chia sẻ: “Chồng làm nghề này tiếp xúc với nữ nhiều, nhưng em không ngại đâu, luôn tin tưởng anh. Luôn ủng hộ anh vì đây là nghề anh đam mê, em chọn anh ấy từ lúc anh dạy em múa ở trường, em cũng biết điều ấy, nhưng em tin tưởng và ủng hộ”.

Anh Nguyễn Phước Hùng- Phó chi hội trưởng Chi hội Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Năm 2005, tôi và Cường từng dự lớp tập huấn viết đề cương kịch bản múa và biên đạo múa do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức tại Kiên Giang.

Rồi từ năm 2006, Duy Cường về Vĩnh Long cùng làm việc chung tại Trung tâm Văn hóa và sinh hoạt chung ở Hội Văn học nghệ thuật đến nay. Tôi luôn thấy em nó rất yêu nghề, làm nghề nghiêm túc và có tâm. Duy Cường được kết nạp Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, tôi rất vui và mừng vì em nó đã thành công trong lĩnh vực nghệ thuật múa Việt Nam”. 

Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH