2 bài thơ chúc tết năm hợi của Bác Hồ!

Cập nhật, 04:54, Thứ Ba, 05/02/2019 (GMT+7)

Không kể Tết Kỷ Hợi (1899), trên đất cố đô Huế và Tết Tân Hợi (1911) trên đất Phan Thiết (Bình Thuận), thì 2 cái Tết năm Hợi còn lại Bác Hồ phải đón những cái tết xa Tổ quốc: năm Quý Hợi (1923) và năm Ất Hợi (1935). Kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hàng năm, cứ vào phút giao thừa thiêng liêng của Tết Nguyên đán, Bác lại đọc “Thơ chúc Tết” gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài trong đó có 2 cái Tết năm Hợi đầy nhớ, đầy thương: Tết Đinh Hợi (1947) và Tết Kỷ Hợi (1959).

72 năm trước đây, Bác Hồ và Trung ương Đảng tạm rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc.

Theo “Nhật ký của một Bộ trưởng” (ông Lê Văn Hiến), ngày 30 Tết Đinh Hợi là ngày 21/1/1947, Hội đồng Chính phủ họp tại một địa điểm thuộc huyện Quốc Oai-Hà Đông (nay là TP Hà Nội) bàn về việc tản cư. “7 giờ tối, Hồ Chủ tịch đến, ai nấy bắt tay chúc mừng Cụ khỏe mạnh. Cụ mặc bộ quần áo nâu, choàng áo và khăn. Cụ trông khỏe và vẫn lanh lẹ như thường. Hồ Chủ tịch nhắc lại 3 vấn đề Chánh phủ cần làm ngay : 1. Tản cư, di cư; 2. Động viên dân chúng; 3. Tăng gia sản xuất ... Cuộc hội nghị đến 9 giờ, Hồ Chủ tịch từ giã ra về”.

Từ Quốc Oai, Người đến chùa Trầm ở Chương Mỹ (Hà Đông) (nay là TP Hà Nội) vào khoảng gần giao thừa. Người đã đọc, thu âm “Bài thơ chúc Tết Đinh Hợi” tại Đài Tiếng nói Việt Nam đặt trong một hang đá thuộc khuôn viên chùa Trầm. Bài thơ chúc Tết Đinh Hợi- Tết kháng chiến đầu tiên- của Bác là lời hiệu triệu toàn dân kháng chiến, kiến quốc: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập nhất định thành công”.

Bài thơ Chúc mừng năm mới Đinh Hợi 1947 có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. GS Hà Minh Đức đã viết: “Đây là một trong những bài thơ chúc tết hay nhất của Bác Hồ. Cả bài thơ là một áng hùng văn, một khúc ca chiến đấu và chiến thắng. Nhà văn Hoài Thanh thì cho rằng: “Cả bài thơ phơi phới như buồm căng thẳng gió. Nó là lời thơ của một lòng tin vững chắc, tiếng nói của những người chiến thắng!”.

Cách đây tròn 60 năm, khi quân và dân cả nước ta đang ra sức thi đua sản xuất, xây dựng và giết giặc lập công, thì một năm Hợi nữa lại đến: năm Kỷ Hợi (1959)- đây là cái tết năm Hợi cuối cùng trong cuộc đời của Bác. Mặc dù, tết này, Bác đang dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta dự Đại hội lần thứ XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhưng thời khắc chuyển từ năm Mậu Tuất- 1958 sang năm mới Kỷ Hợi- 1959, Đài Tiếng nói Việt Nam phát tiếng nói Bác Hồ chúc Tết: “Chúc mừng đồng bào năm mới/ Đoàn kết thi đua tiến tới/ Hoàn thành kế hoạch ba năm/ Thống nhất nước nhà thắng lợi”. Bài thơ ngắn gọn, nhấn mạnh 2 nhiệm vụ chính: đoàn kết thi đua hoàn thành kế hoạch 3 năm và đấu tranh thống nhất đất nước...

2 nhiệm vụ quan trọng này, Người đã từng nhắc đến rất nhiều lần. Về nhiệm vụ thứ nhất: Hoàn thành kế hoạch 3 năm. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, ngày 19/1/1959, Bác đã đề cập tại hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam rằng: “Năm 1959 là năm bản lề của kế hoạch 3 năm, phải đẩy mạnh sản xuất về công nghiệp, nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển văn hóa” (Hồ Chí Minh toàn tập- tập 2). Về nhiệm vụ thứ hai: Thống nhất nước nhà thắng lợi. Có thể nói, đấu tranh thống nhất nước nhà là mục tiêu thường trực trong Bác, là hoạt động của toàn quân, toàn dân. Đến thăm cán bộ và sinh viên Việt Nam đang công tác và học tập ở Moscow, ngày l/2/1959, Bác giải thích về đấu tranh thống nhất: “Các cô, các chú, các cháu hay hỏi bao giờ thì thống nhất. Câu ấy khó trả lời mà cũng rất dễ trả lời. Nếu hỏi ngày nào, tháng nào thống nhất thì khó. Nhưng nhất định thống nhất.

Tết này, Tết Kỷ Hợi 2019, là tết thứ 50 sau ngày Bác đi xa, ta không còn được nghe những vần thơ xuân, những lời thơ chúc tết của Người nữa. Nhưng, trong tâm thức của mỗi một người con dân đất Việt như vẫn còn vang vọng lời chúc tết của Người mỗi khi tết đến xuân về. Nhớ Bác, chúng ta nguyện học tập và làm theo gương Bác về tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần tiết kiệm của cải và nhân lực trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Tinh thần đó, đạo đức, tư tưởng, phong cách đó của Người mãi mãi là di sản vô giá cho chúng ta hôm nay và mai sau...

NGUYỄN THỊ THỌ