Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật, 13:06, Thứ Ba, 28/02/2017 (GMT+7)

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Văn Lên cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, kinh lá buông là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá buông của người dân tộc Khmer (gọi là Satra), được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali theo trường phái Thomanadut và Mahainikai, xuất hiện từ thế kỷ XIX.

Kinh Phật chạm khắc trên lá buông là tài liệu quý, chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo, kinh thuyết pháp, thơ ca, sử thi, giáo lý của đức Phật răn dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ, kinh đức Phật Thích Ca, Tam Tạng Kinh..., chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như lễ Phật Đản, lễ Kathina (lễ dâng bông, dâng y cà sa), lễ Thvai PresKhe (Cúng trăng), lễ Dolta (Cúng ông bà),... 

Ở An Giang, kinh lá buông hiện còn lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer của 2 huyện vùng Bảy Núi (Tri Tôn và Tịnh Biên), với trên 100 bộ kinh Phật.

PV (TTXVN)