Họa sĩ Trần Minh Thái- cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Vĩnh Long

Cập nhật, 09:56, Thứ Hai, 27/02/2017 (GMT+7)

Họa sĩ Trần Minh Thái tên thật là Trần Ngọc Ánh, sinh năm 1954 tại xã Hòa Bình (Trà Ôn). Ông tham gia cách mạng rất sớm. Lúc mới 11 tuổi (năm 1965), ông đã làm giao liên cho xã Hòa Bình.

Một năm sau đó, ông thoát ly gia đình về tham gia công tác tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Thời gian này, Trần Minh Thái được tổ chức đánh giá là một người rất có năng khiếu về hội họa qua những bức tranh vẽ ngẫu hứng của ông ngay tại chiến trường lửa đạn.

Họa sĩ Trần Minh Thái (đeo kính) khi còn là Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: DƯƠNG THU
Họa sĩ Trần Minh Thái (đeo kính) khi còn là Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: DƯƠNG THU

Đây chính là nguyên nhân ông được đưa đi học ngành mỹ thuật tại Trường Văn nghệ Giải Phóng, là bước ngoặt quan trọng để đưa Trần Minh Thái trở thành một họa sĩ về sau này!

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (1975), ông chuyển về công tác tại Tỉnh Đoàn Cửu Long và là nhân tố hoạt động tích cực cho phong trào mỹ thuật cổ động trực quan.

Sau đó, ông được đưa đi đào tạo dài hạn tại Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Qua quá trình 8 năm (3 năm trung cấp, 5 năm ĐH), ông được đào luyện một kiến thức nghề nghiệp vững chắc, cộng thêm quá trình kinh qua khóa bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp, họa sĩ Trần Minh Thái đã trở thành một họa sĩ có sự sáng tạo đúng đắn trên quan điểm hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Vào thời kỳ trước đổi mới, phong trào mỹ thuật tỉnh Cửu Long nở rộ. Được sự hỗ trợ tích cực của Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, họa sĩ Trần Minh Thái cùng 3 họa sĩ khác đã mạnh dạn tổ chức triển lãm nhóm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh dưới sự hỗ trợ của cố họa sĩ Thanh Châu và cố điêu khắc gia Diệp Minh Châu.

Trong ngày đầu tiên khai mạc, cuộc triển lãm này đã được sự quan tâm, chú ý của các báo đài cũng như giới thưởng ngoạn.

Sau đó một thời gian, nhóm 4 họa sĩ này lại tổ chức triển lãm tại Gallery Tự Do vốn có uy tín lớn về mỹ thuật nằm trên đường Đồng Khởi. Tương tự như cuộc triển lãm lần trước, triển lãm lần này đã được hầu hết giới truyền thông đại chúng tại TP Hồ Chí Minh đưa tin kèm các bài phỏng vấn.

Báo Thanh Niên- cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam- trong phần bình luận đã ca ngợi tranh của họa sĩ Trần Minh Thái.

Riêng nhà phê bình mỹ thuật Lê Trường Đại đã viết rằng: “Trần Minh Thái có tố chất là một họa sĩ kháng chiến, được đào tạo chính quy về chuyên môn lẫn quan điểm chính trị, do đó tác phẩm của ông chuẩn mực về cả hình thức lẫn nội dung”.

Qua 2 lần triển lãm này, họa sĩ Trần Minh Thái đã thể hiện là một họa sĩ có phong cách rất riêng! Tuy vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu, nhưng bút pháp của ông không hề bị “tây hóa” và chuyển tải đầy tính dân gian cũng như truyền thống qua bố cục màu.

Ông sử dụng một cách khéo léo nét dao phối hợp cùng mảng nhòe của đường cọ thật gợi tình mà điển hình là tác phẩm “Dưới ánh dương hồng” miêu tả 4 cô gái Tây Nguyên đang múa hát dưới ánh mặt trời.

Với tác phẩm này, ông đã sử dụng thủ thuật không gian ảo với phong cách bố cục bán trừu tượng được cách điệu bóp hình rất bản lĩnh nghề nghiệp.

Giới chuyên môn tại TP Hồ Chí Minh lúc đó đánh giá rất cao tác phẩm này! Phong cách này cũng rất được giới buôn tranh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng thời kỳ ấy chủ tâm khai thác. Tuy nhiên, thời gian về sau này, ông không theo đuổi phong cách này nữa!

Đầu năm 2000, sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, họa sĩ Trần Minh Thái đã quyết định chọn cho mình một con đường sáng tạo khó khăn và gai góc hơn! Đó là mảng tranh hoành tráng với chủ đề truyền thống, dân gian.

Ông chăm chút đầu tư từng chi tiết trong mỗi tác phẩm với một khoảng thời gian sáng tạo dài hơi! Tác phẩm “Một nhà” vẽ bằng thuốc nước trên lụa là một điển hình! Bức tranh này có kích thước rất to (1,2m x 2,4m).

Trong đó, tác giả vẽ hình Bác Hồ đứng trước mặt trống đồng, hai bên có rất nhiều dân tộc với nhiều loại phục trang khác nhau. Với tác phẩm này, ông mất đến 5 tháng ròng mới hoàn tác. Đây thật sự là một kỳ công! Tác phẩm này hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

Tác phẩm “Rừng che Bộ đội” cũng là một bức tranh lụa có kích thước rất lớn (khoảng 2m2) và được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn triển lãm tại Hà Nội năm 1995.

Đây là một bức tranh vẽ theo phong cách hiện thực với kỹ thuật “lụa rửa” (có nghĩa là khi vẽ xong, người vẽ phải dùng nước rửa bỏ lớp màu đầu, chỉ để lại lớp màu trong veo của mảng thuốc nước.

Sau đó lại vẽ chồng lên, lại rửa đi rửa lại nhiều lần nữa, cho đến khi nào thấy tranh lung linh như mảng thủy tinh ghép màu là coi như đã thành công bước đầu; chưa kể công đoạn bồi tranh rất cần tay nghề điêu luyện và thật rắc rối, công phu. Cách vẽ này đòi hỏi người sáng tác phải thật yêu nghề và vững lòng bền chí mới theo đuổi nổi!

Nhận xét về mảng tranh ký họa thực tế, họa sĩ Trần Minh Thái là một trong những họa sĩ làm việc nghiêm túc và tận tụy nhất! Bản thân người viết đã từng chứng kiến ông lặn lội hàng chục cây số với mục đích chỉ để tìm tư liệu phục vụ cho một đề tài!

Gần đây nhất, họa sĩ Trần Minh Thái đã sáng tác thành công phác thảo gốm màu “Vĩnh Long Mậu Thân 1968”.

Đây là một tác phẩm gốm màu hoành tráng, có kích thước dài hàng chục mét được Hội Mỹ thuật Trung ương đầu tư phục vụ bổ sung cho bố cục tượng đài “Mậu Thân” tại Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân (Phường 3- TP Vĩnh Long).

Tác phẩm này ghi nhận lại tổng thể cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân dân Vĩnh Long trong chiến dịch năm Mậu Thân 1968. Hiện tác phẩm này đã được hoàn thành, làm phông nền cho tượng đài Chiến thắng Mậu Thân.

Tóm lại, hiện nay họa sĩ Trần Minh Thái đã chọn cho mình một phương hướng sáng tác đúng và rất riêng, không lẫn vào ai được! Điều đáng trân trọng nhất là ông không hề làm cái bóng của một ai!

Với tay nghề được khổ luyện, bố cục tranh có kết cấu cách tân nhưng đầy chất Việt, một bảng màu đậm chất phù sa đồng bằng qua từng tác phẩm sáng tạo, họa sĩ Trần Minh Thái đã tạo cho riêng mình một thế đứng vững chắc trên mảnh đất văn học- nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung! Ông thật sự xứng đáng là cánh chim đầu đàn của nền mỹ thuật tỉnh Vĩnh Long.

TÍN ĐỨC (TP Vĩnh Long)