Ký ức tết quê tôi

Cập nhật, 08:56, Chủ Nhật, 07/02/2016 (GMT+7)

Nói tết xưa vậy chớ chỉ vài mươi năm trở lại đây thôi. Thời ấy, đa số người dân nông thôn quê tôi cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Dưa hấu, bánh mứt, thịt heo hay sắm áo quần mới đều phải đợi đến tết, bởi thế năm 12 tháng, đám trẻ trông chờ và cảm thấy thời gian thật là dài.

 

Ngày nay chợ tết được nhóm ở tận vùng quê với đầy đủ hàng hóa người lớn và trẻ em thoải mái mua sắm.
Ngày nay chợ tết được nhóm ở tận vùng quê với đầy đủ hàng hóa người lớn và trẻ em thoải mái mua sắm.

Những tháng giáp tết, bọn trẻ như tôi bắt đầu “mùa” kiếm tiền để được theo cha mẹ đi chợ tết mua sắm đồ mới. Thường “nguồn thu” của đám trẻ là đi quần mương bắt tôm cá.

Thời đó, tôm nhiều vô số ở mương vườn, chỉ cần lấy cần xé kéo vài vòng, nước đục ngầu là tôm nổi râu đỏ mé mương. Những con tôm càng xanh đóng rong nặng vài trăm gam, càng kẹp vào tay rớm máu nhưng đứa nào cũng hào hứng bắt cho được, quên cái lạnh tái môi và cái đau rát da do tôm kẹp. Ngày đó giá tôm rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng mỗi ký nhưng bọn trẻ ky cỏm cũng được cả trăm ngàn bỏ túi đi chợ tết sắm đồ mới. Những ngày cận tết, bọn trẻ như tôi được cha mẹ cho đi chợ tết là mừng rơn, có khi tối hôm đó không ngủ chờ đến sáng.

Quê tôi ở cù lao, cách chợ Vĩnh Long con sông Cổ Chiên, muốn đi chợ chỉ có con đường thủy “độc đạo”. Nếu chèo ghe đi chợ thì mất vài tiếng đồng hồ, khi đến nơi mệt lả mồ hôi nhưng cảm thấy vui làm sao. Chợ tết, bến ghe xuồng tấp nập, muốn lên chợ phải đi chuyền qua mấy chiếc ghe khác.

 

Dưa hấu, hoa không thể thiếu những ngày tết.
Dưa hấu, hoa không thể thiếu những ngày tết.

Có khi còn phải ngồi ghe dưới cái nắng như cháy da, đợi dài cả cổ để được cha mẹ dắt lên chợ sắm đồ tết. Tết đến, ai trong bọn trẻ chúng tôi được mặc đồ mới, mang dép Lào đi nghe “két két” là bảnh nhất, nên đứa nào cũng đòi cha mẹ mua cho bằng được.

Tôi nhớ rất rõ, năm đó được cha mẹ mua cho đôi dép Lào, áo sơ mi vải ka tê Sài Gòn và cái quần ka ki nhăn nhúm mà trong lòng mừng vui khó tả, về nhà mở ra ngắm nghía như là “báu vật”, ai đụng tới cũng không cho.

Một ký ức tết nữa vẫn còn đọng trong tôi là cảnh gia đình tráng bánh tết. Ngày đó, muốn tráng bánh phải “đặt ngày” trước cả tháng trời với chủ lò. Ngày xưa, không có máy xay bột như bây giờ, tất cả đều làm thủ công.

Sau khi ngâm gạo, người trong nhà thay phiên nhau xay cối đá, xay xong giạ gạo có khi mất một đêm, phồng cả da tay. Điều mà bọn trẻ “khoái khẩu” nhất là được ăn cái bánh tráng ướt cuốn dừa nạo béo ngậy. Những buổi sáng hay tối, gia đình vui vẻ quây quần bên nhau nhóm lửa nướng bánh dừa hay lấy bánh tráng ngọt nướng phơi sương rồi cuốn với chuối phơi khô ăn rất ngon lành.

Tiếng trống múa lân cắc tùng xèng làm cho ngày tết thêm náo nhiệt, trẻ em thích thú.
Tiếng trống múa lân cắc tùng xèng làm cho ngày tết thêm náo nhiệt, trẻ em thích thú.

Còn thịt heo là món ăn “xa xỉ” mà bọn trẻ chúng tôi chỉ đến tết mới có cơ hội được ăn thỏa thích. Ở quê tôi, nhiều gia đình nuôi heo 1 năm mới vô tạ để dành đến tết làm thịt, chia nhau với xóm giềng rồi qua tết gom tiền trả lại sau.

Những gia đình có cuộc sống khó khăn thì chỉ mua vài ký để dành đãi khách. Bởi thế những ngày giáp tết, hầu như gia đình nào ở quê cũng tranh thủ tát mương bắt cá thêm. Cá lóc, cá trê, tôm nhiều vô số kể bắt rộng cả khạp da bò, ăn đến qua tết vẫn còn.

Đêm giao thừa ngủ muộn. Bảnh mắt ra, mùng 1 tết, tiếng trống múa lân cắc tùng xèng ở đầu xóm thêm phần nhộn nhịp. Bọn trẻ thích nhất là mừng tuổi ông bà để được bao lì xì đỏ bên trong là những tờ tiền mới cáu.

Ngày nay, cuộc sống phát triển. Nhiều người tất bật với muôn vàn công việc đôi khi quên cả thời gian. Tết vẫn một năm 12 tháng nhưng mọi người cảm giác thời gian sao ngắn lại khi còn nhiều chuyện chưa hoàn thành. Song, tết cổ truyền dân tộc, mọi người Việt Nam dù nơi đâu cũng hướng về tổ tiên, gia đình đoàn tụ quây quần bên mâm cơm cúng ông bà và cũng là dịp nghỉ ngơi sau một năm làm cật lực. Thêm một mùa xuân thanh bình, hạnh phúc lại về… l

BÀI, ẢNH: HOÀI NAM