Nhớ xưa tháng Chạp tìm hương dậy mùa

Cập nhật, 08:47, Chủ Nhật, 07/02/2016 (GMT+7)

Khi những cơn gió chướng trở ngọn mang theo cái se lạnh của thời tiết chuyển sang mùa xuân cũng là lúc mọi người bắt đầu tất bật với công việc chào đón năm mới. Trong không khí rộn ràng đón tết, ký ức mùa xuân xưa trong tôi cũng ùa về với biết bao kỷ niệm khắc ghi từ thuở ấu thơ.

Khi nói ra cái ý này, tôi thấy đã hàm tất cả nỗi nhớ, cái cớ, cái sự để nhớ- trong tôi- đối với tháng Chạp. Đó là những tháng Chạp trong nhiều năm trước hay chỉ mới năm ngoái, năm nay. Tháng Chạp để báo hiệu mùa giáp tết. Trọn tháng này dường như cái gì, thứ gì cũng rờ rỡ sắc màu đón tết.

Ai đó đã từng nói mùa Đông Xuân là vụ mùa đẹp nhất. Lúa vào thì con gái đã đẹp long lanh dưới nắng mai. Lúa khi cong trái me, bắt đầu điểm xuyết vàng cũng đẹp lan man. Trời vợi vời cao, trong xanh, rực nắng. Thời điểm thu hoạch là mùa vui và đẹp nhất. Trời xanh, mây trắng, lúa hòa nắng vàng thêm vàng. Có thể gọi đó là mùa vàng. Mần mùa này xong bà con mình đón tết. Đây là mùa chủ lực, năng suất cao so các vụ mùa kia.

Dạo mùng 10 đến rằm tháng Chạp hàng năm, trên các cánh đồng ở xã Thiện Mỹ, lúa Đông Xuân thu hoạch rộ. Tôi muốn nói ở quê nội tôi, các ấp Mỹ Hòa, Giồng Thanh Bạch thuộc xã Thiện Mỹ. Nơi đó được biết đến là vùng đất khởi phát gieo trồng giống lúa thơm Jasmine 85, từ chục năm trước đến giờ. Nơi mà đến mùa vàng, lúa chất bờ lộ, kinh, chờ cân cho lái về chợ. Nơi kiếp rơm rạ dù không đại diện cho vùng đất nào, mà chỉ cho thấy là nơi có những mùa vàng rộn rã. Đặc thù một điều, do con nước và thổ nhưỡng, nên mùa Đông Xuân vùng Thiện Mỹ, nơi có lúa thơm Jasmine nhiều và nay được bao tiêu sản phẩm, thường được gieo sạ sớm nên thu hoạch sớm hơn những địa bàn khác trong huyện, trong tỉnh. Nên cái gì mới mẻ, đi đầu thường bắt mắt, ấn tượng hơn.

Trong câu chuyện của tôi, luôn có bóng dáng của em trong đó. Bởi gần như cả thời niên thiếu tôi với em, với đám bạn nữa luôn gắn bó với nhau, thân thiết từ học hành đến vui chơi nhảy múa. Em của hơn 15 năm về trước, khi chúng tôi tròm trèm 15 là một phần của cớ sự tôi muốn nói. Đơn giản chúng tôi là những đứa trẻ trâu hay chơi trò đuổi bắt quanh cây rơm, bắt dế đường cày gốc rạ, nhổ cỏ gà bờ mẫu triền đê.

Giờ có còn đuổi bắt, chui rúc trong cây rơm nữa không. Chơi trò này là dại, người lớn sẽ rầy la ngay, vì rơm ngứa xót... Bọn tôi cảm nhận được cái sự xót ngứa khi chơi trò đuổi bắt. Nghe mùi tóc khét nắng, mùi rơm hương rạ, ruộng đồng. Mùi mồ hôi của mấy đứa con trai, con gái sắp biết làm duyên, e thẹn. Thô mộc, giản đơn, nhưng miên man lạ!

Vẫn là những mùa Đông Xuân vàng óng, năng suất cao và ổn định. Đất rạ có nơi cày bổ luống chờ đó, đợi vịt chạy đồng. Và rơm vẫn vàng như thế. Có nơi rơm được rải đồng để đốt dành sạ vụ sau. Nhưng phần lớn rơm được thuê cuộn, vận chuyển ra đường giao thông, đem về nhà hay bán để người ta nuôi bò. Rơm bây giờ có giá trị sử dụng, có giá cao. Chăn nuôi bò bây giờ là một trong những nghề “chất” vì giá trị kinh tế.

Nói ra có vẻ ủy mị và chừng như vô lý, có mùa giáp tết, vụ Đông Xuân tôi lững thững trên cánh đồng làng để tìm kiếm trò chơi với cọng rơm vàng ngày trước. Bước mưu sinh của tôi hôm nay thường thấy những cây rơm đây đó ở rìa đồng. Và tôi nhớ em. Không, phải nói chính xác là nhớ cọng rơm vàng. “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm” (trong “Khúc hát sông quê”, thơ Lê Huy Mậu, nhạc Nguyễn Trọng Tạo). Cảm nhận với riêng tôi, có lẽ cọng rơm thơm, thơm như thế nào đã rõ.

Có hay không có gì liên quan trong những chi tiết lan man sắp đặt trên kia. Có phải nỗi nhớ vu vơ về mỗi mùa vàng Đông Xuân giáp tết hàng năm ở quê nhà. Hay nét gì đó về kinh tế nông nghiệp với lúa má, rơm rạ nuôi bò. Hay, chỉ nên đơn giản là một trò chơi bên cây rơm của đám con nít...!!! l

BÀI, ẢNH: TƯỜNG VÂN