Hái lộc đầu năm

Cập nhật, 14:48, Thứ Hai, 08/02/2016 (GMT+7)

 

Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết có từ xa xưa của Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết

có từ xa xưa của Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mùng 1 tết, xin một cành lộc nhỏ nơi đền, chùa, miếu... sẽ được  tài lộc, may mắn suốt năm.

Tuy xã hội ngày càng phát triển song hái lộc xuân vẫn còn nguyên nét giá trị tinh thần, dù đã có ít nhiều thay đổi trong quan niệm cũng như cách làm của mỗi người.

Ý nghĩa của hái lộc đầu năm

Chuyện xưa kể rằng, nhân một ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng bèn cho vời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: "Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi".

Nghe cha phán truyền, các con đều bịn rịn không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng cha mẹ, các Lạc Hầu, Lạc Tướng, dân làng chưa biết tấu trình với Vua thế nào thì Hoàng hậu thưa: "Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, tôi nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dùng cách hái lộc chia cho các con… các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi".

Nghe phải, Vua lệnh truyền cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các con về nhà nghỉ. Rồi chọn ngày lành tháng tốt, Vua làm Lễ tế Trời – Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua vời các con chia cho mỗi người một cành lộc và dạy rằng:

"Non ở nhà, già đi ấp

Chẵn lên non, còn xuống biển"

Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con. Y lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền, Vua cả mừng truyền cho dân làng mở hội để tiễn các con lên đường.

Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp này còn lưu truyền mãi mãi, tục xin lộc đầu xuân cầu may trong dân gian nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa. Cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt Nam.

Hái lộc sao cho phải

"Lộc" có 2 nghĩa nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ  2 là bổng lộc. Trong "hái lộc đầu xuân" lộc là 1 mầm non bé bỏng vừa nhú ra từ thân cây từ nách lá. Theo tục người xưa đầu năm dân chúng thường ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình chùa để hái 1 nhánh non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ để hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân có thể gây ra sự phá hoại môi sinh.

Lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành tương lai xán lạn và lâu dài đang chờ ở phía trước. Trong đêm sương lạnh bạn ngồi cạnh chậu hoa và lắng nghe bạn sẽ nghe và thấy tiếng chồi non cựa mình vươn ra góp phần xuân sắc với đời. Cái mong manh của chồi non cần được ấp yêu chăm sóc cái tương lai của mầm non mang đầy sức sống ấy làm chúng ta nghĩ đến những điều tốt đẹp và muốn hoàn thiện mình.

Tuy nhiên không phai ai cũng hiểu ý nghĩa của “lộc” và hái đúng “lộc”. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của “lộc” và hái đúng “lộc”.

(Ảnh: Internet)

Lộc chỉ đẹp và mang đến cho ta niềm hy vọng sự yêu đời khi ta biết nâng niu. Vào sân chùa bẻ cả 1 cành mai không phải là hái lộc (thậm chí có người còn quan niệm cành càng to lộc càng nhiều). Rước 3 thẻ nhang về nhà cũng không phải là hái lộc mà có khi còn gây tai nạn cho người chạy xe phía sau. Lộc không phải là những vật thể rõ ràng và dễ chiếm hữu như thế.

Đại Việt sử ký toàn thư trang 225 có viết: Năm 1126 vua xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây. Từ thực tế hái lộc đầu xuân đang diễn ra chúng ta thấy luật này của vua Lý đã đạt đến độ chân - thiện - mỹ. Rõ ràng luật của cây cối là xuân sanh hạ trưởng thu thâu đông tàn. Chặt cây cối trong mùa xuân là tử hình sự sống tử hình mùa xuân. Nhìn cây cối có chồi non lộc biếc ra hoa nở nụ chúng ta nên nghĩ luật này tượng trưng cho quyền thiêng liêng nhất của con người: quyền của sự sống trên sự chết, sự sống của mình nơi sự sống của người khác, nơi sự sống của mọi vật xung quanh.

Và trong sương đêm se lạnh trong thời khắc giao thừa thiêng liêng trong sự tịnh tâm nhìn lại mình sân chùa và vườn cây cho ta nguồn hy vọng bất tận về tương lai. Đó là Lộc.

Ngọc Liễu (tổng hợp)