"Tình" học trò

Cập nhật, 06:14, Thứ Năm, 15/10/2015 (GMT+7)

Hầu hết phụ huynh nào cũng lo sợ con mình yêu sớm, khi còn ngồi ghế nhà trường rèn mài chữ nghĩa. Tình cảm học trò trong sáng, ngây ngô nhưng cũng lắm mối nguy hiểm đe dọa nếu không đi đúng hướng, nhất là trong thời đại ngày nay, trẻ dễ dàng tiếp cận với những trang mạng không lành mạnh dẫn đến nhiều hệ lụy.

Tuổi học trò trong sáng, hồn nhiên rất cần sự dẫn dắt của cha mẹ để phát triển toàn diện. (Ảnh mang tính minh họa)
Tuổi học trò trong sáng, hồn nhiên rất cần sự dẫn dắt của cha mẹ để phát triển toàn diện. (Ảnh mang tính minh họa)

Phát hoảng vì con trẻ “yêu” sớm

Tình cờ nghe được câu chuyện của nhóm phụ huynh trước cổng một trường tiểu học. Một chị bức xúc kể rằng, con trai lớp 5 của chị tự nhiên bị đòn oan. Chung quy cũng chỉ vì cậu bé rất đẹp trai, học giỏi, một lý do tưởng chừng hết sức vô lý nhưng lại rất… hợp lý. Đó là có một cậu bé khác rất thích một cô bạn dễ thương học giỏi cùng lớp. Trong khi đó, cô bé này lại đem lòng thích và rất “thần tượng” con trai chị. Tuổi học trò ngây ngô, cô bé ấy cứ đem con trai chị ra khen ngợi và nói rằng không thích cậu bạn kia. Vì lòng ghen ghét trẻ con, cậu nhỏ kia rủ thêm vài cậu bạn nữa ra về “chặn đường xử tình địch”. Chị phụ huynh được một phen hốt hoảng, xót xa khi cậu quý tử của mình bị bầm mặt. Chị tức tốc đến Ban giám hiệu trường báo tình hình, rồi cậu học trò kia cùng gia đình được gọi tới và đương nhiên là có khiển trách. Nhiều phụ huynh nghe mà thở dài lo sợ, có con “đẹp” cũng sợ bị “quánh”, mới có tý tuổi đầu đã tập tành “tình cảm” thật
đáng lo.

Chị bạn tôi kể, nhà chị gần một trường cấp II, gần đó có bãi đất trống nhiều cây cỏ um tùm. Cứ chiều chiều hết giờ học, chị đi làm về là thấy một vài chiếc xe đạp đậu phía trước mà không thấy người đâu. Nhiều lần tò mò quan sát, bữa nọ chị giật mình nhìn thấy một cặp cô cậu học sinh mặc đồng phục, trông vẻ chưa quá lớp 7 nhưng “mùi mẫn” và bước ra từ trong các lùm cây. Chị hốt hoảng vì trẻ bây giờ “bạo” quá, phụ huynh cũng không biết để quản con và chị rất lo sợ cho con của mình.

Chị K.P. (Long Hồ) bữa nọ kiểm tra cặp vở của cậu con trai lớp 6 của mình, giật mình phát hiện ra trong một quyển tập có dòng chữ “K love P”. Chị tức tốc gặng hỏi thằng bé thì nó vô tư nói rằng, trong lớp mấy bạn cứ chọc cáp đôi nó với bạn nữ tên P., mấy bạn còn luôn miệng gọi bạn P. là “vợ” của con trai chị… Chị K.P. chỉ còn biết than trời nhưng cũng may là chị phát hiện kịp thời và nói chuyện phải quấy với con để con hiểu mà không đi lệch đường. “Con nít bây giờ thật hết nói”- chị K.P. lắc đầu.

Dẫn dắt con đi đúng hướng

Tâm trạng chung của các phụ huynh là trẻ yêu sớm sẽ xao nhãng chuyện học hành, nguy cơ quan hệ tình dục dẫn đến nhiều hệ lụy không thể lường được. Giải pháp chủ yếu đưa ra trong hoàn cảnh này là cấm đoán, đe nẹt, tìm cách kiểm soát để con mình không tiếp xúc với “nửa kia”. Tuy nhiên, dù đã tìm mọi cách nhưng nhiều phụ huynh cũng đành bất lực trước thái độ ương bướng, tìm mọi cách để dối gạt gia đình của trẻ.

Hơn nữa, những năm trở lại đây, chuyện yêu đương ở lứa tuổi này đã thành một hiện tượng đáng lo ngại. Hàng loạt bi kịch khởi nguồn từ tình cảm học trò gây bàng hoàng, đau xót và nhức nhối cho bao người, từ học hành sa sút, ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất; nặng hơn, các em rủ nhau bỏ trốn, phạm tội hiếp dâm, hoặc tung clip đánh nhau vì tình, làm cha mẹ bất đắc dĩ, nạo phá thai vị thành niên, tự tử vì tình,… Vì thế, phụ huynh càng khó cởi mở với những rung động đầu đời của con cái.

Sự rung động của các em ở tuổi này là hoàn toàn tự nhiên, rất bình thường. Thay vì bóp nghẹt chúng, cha mẹ cần hiểu, thông cảm để phát triển lành mạnh những cảm xúc ở tuổi dậy thì. Khi thấy con có biểu hiện yêu, cha mẹ không nên cấm đoán tức thì hay làm ầm ĩ lên. Nhưng từ lúc đó trở đi, hãy lưu tâm nhiều hơn đến trẻ. Cha mẹ phải lựa lời phân tích thiệt hơn về tình cảm bồng bột của con, khéo léo tìm hiểu mối quan hệ riêng tư để từ đó cho trẻ các lời khuyên về lối sống, cách ứng xử. Điều cấm kỵ nhất là cha mẹ có hành vi “xâm nhập” điện thoại, facebook, ngăn cấm con tiếp xúc với bạn.

Một phụ huynh từng trải qua kinh nghiệm này chia sẻ rằng: “Tôi đã kể cho con nghe về những rung động đầu đời khi tôi bằng tuổi nó. Rồi những lần mẹ con trò chuyện, tôi có thể hiểu hết tâm tư của con. Từ những trải nghiệm của mình, tôi đã giúp con biến những rung động ấy thành động lực để nó sống tốt hơn”. 

Các chuyên gia tâm lý cũng khuyên rằng, phụ huynh cần lắng nghe con một cách nghiêm túc, thoải mái chia sẻ với con những kinh nghiệm, hiểu biết của mình để giúp con nhận ra bản chất của tình cảm lứa tuổi học trò. Phụ huynh hãy là người bạn đồng hành trên từng diễn biến, giai đoạn tình cảm của con để nắm bắt mức độ, đưa ra chỉ dẫn kịp thời.

Bài, ảnh: HẢI YẾN