Đọc "1Q84" của Harưki Mưrakami

Lạc giữa "mê cung" thực và ảo

Cập nhật, 11:29, Chủ Nhật, 11/10/2015 (GMT+7)

Sau 3 năm, tôi lôi bộ sách “khủng” ngàn trang “1Q84” của Mưrakami ra đọc lại, như kiểm chứng lần nữa những cảm giác, cảm nhận ban đầu.

Lần trước, giống như người “đánh đu” trên đường dây cốt truyện ly kỳ kiểu trinh thám; giờ lại thấy chìm đắm trong cái “mê cung” của những dòng suy tưởng đẫm chất triết luận đan xen, biến ảo khôn lường.

Tập 1 bộ tiểu thuyết 1Q84 của Harưki Mưrakami.
Tập 1 bộ tiểu thuyết 1Q84 của Harưki Mưrakami.

Cuộc truy tìm bản ngã

“Q” phát âm giống số 9 trong tiếng Nhật đọc là kư hay kyư. Ở nghĩa khác, “Q” viết tắt của từ Question, đã được nhân vật nữ Aomae tự đặt cho năm mình đang sống là 1Q84 (tức 1984), bởi xung quanh xảy ra quá nhiều chuyện khó hiểu, kỳ quái.

Hành trình dài vật lộn với những ảo giác, những sự việc khó hiểu, để nàng tìm về thực tại của năm 1984, cũng là hành trình tìm lại chính mình.

Cốt truyện xây dựng dựa trên sự kiện có thật ngày 20/3/1995, giáo phái Aum shinrikyo đã sử dụng chất cực độc sarin tấn công hệ thống tàu điện ngầm Tokyo.

Sự kiện đó vừa là cái cớ để ông phát triển thành câu chuyện một cách sáng tạo, cũng là vừa để đi tìm lời giải cho những hoang mang của xã hội Nhật Bản đương đại, sự biến thái của những linh hồn lạc lối muốn hủy hoại vẻ đẹp của sự sống loài người.

Do đó, dù câu chuyện đầy những vụ án mạng ly kỳ và những cuộc truy tìm hung thủ, nhưng nếu xếp “1Q84” vào thể loại trinh thám như một số nhà bình luận, thì có vẻ đã hiểu sai bản chất của tác phẩm và ý đồ sáng tạo của Mưrakami.

Toàn bộ tác phẩm là hành trình nhọc nhằn, nguy hiểm của hai nhân vật chính Aomame và Tengo đi tìm câu trả lời rằng: “Tôi là ai? Tôi đang sống ở đâu?” Trong sự hỗn loạn của xã hội, khi mà thực tế, tự nhiên như một đám sương mù đã tạo nên những lớp người mất thăng bằng trong tình cảm, ý thức.

Trong hoàn cảnh đó, con người hoặc dễ “mềm nhũn” ra, chui vào trong những vỏ bọc của các tổ chức giáo phái biến hình, dị dạng; hoặc đủ sức đương đầu trực diện với nó để dám chiến thắng cái ác và được sống đúng nghĩa của con người.

Ở đây, chính tình yêu mãnh liệt, trong sáng vượt lên trên “tính dục” của hai nhân vật chính, là sự cứu rỗi của chân lý. Bởi chân lý nằm ngay trong thực tiễn cuộc sống, nó không thể tồn tại trong mớ ảo giác rối mù của tâm linh. Chân lý không thể do một đấng siêu nhiên nào đó tạo ra.

Nội dung rất phức tạp, xin tóm tắt thật gọn thế này, cô bé Aomame và cậu bé Tengo học chung tiểu học, cả hai có một điểm giống nhau là đều bị chính người lớn trong gia đình “đánh cắp” tuổi thơ.

Cha mẹ Aomame theo một giáo phái và ép con mình tuân thủ những nghi thức kỳ quặc, làm cho em bị tách biệt với bạn bè. Tengo thì những ngày nghỉ học phải lẽo đẽo theo cha đi thu phí của Đài Truyền hình NHK.

Năm 10 tuổi, Aomame quyết định cắt đứt quan hệ với cha mẹ, chuyển đến nơi khác sống với người dì, đồng nghĩa chuyển chỗ học. Một cái nắm tay trong yên lặng, là mối dây liên kết duy nhất với Tengo, để từ đó hai người đi theo con đường riêng nhưng vẫn luôn nhớ về nhau.

Aomame trở thành sát thủ chuyên giết người theo đơn đặt hàng của một bà chủ quý tộc, mà những đối tượng toàn là những kẻ “xứng đáng chết”, nhưng pháp luật không “với tới được”.

Ngoài những phi vụ nhận những khoản tiền lớn, Aomame thư giãn bằng cách thỉnh thoảng vào các quán rượu, tìm một người đàn ông trung niên ưng ý và làm tình. Bên trong sát thủ lạnh lùng, vẫn là một tâm hồn nhạy cảm, mỏng manh luôn giữ gìn mối tình thời tiểu học.

Tengo là giáo viên dạy toán, đẹp trai, ôm mộng viết văn. Có tài năng, nhưng cả đời ám ảnh, mặc cảm về hình ảnh người mẹ ngoại tình diễn ra trước mặt mình khi còn bé, nên vẫn là bồi bút vô danh.

Bên cạnh là một đồng nghiệp biên tập viên cấp trên Komatsư lõi đời trong giới văn chương, rất mưu mẹo có thực lực và bá đạo. Tengo bị Komatsư lôi kéo vào một vụ “lừa đảo” văn chương. Lúc này, Aomame đã thực hiện phi vụ cuối cùng trong đời là giết giáo chủ một giáo phái.

Và trong cuộc chạy trốn đã đưa nàng gặp lại Tengo sau 20 năm xa cách. Hai người cùng nhau chạy trốn ra khỏi năm “1Q84”, để trở về với thực tiễn năm 1984. Kết thúc có hậu.

Người kể chuyện thông thái, mê hoặc

Có thể nói rằng ngay từ những trang sách đầu tiên, tác giả luôn cuốn hút người đọc và “lộ diện” chất thông thái, thứ ngôn ngữ quyến rũ đến mê đắm.

Ông là người kể chuyện thông minh một cách kỳ quặc, bởi thứ văn chương rất biến ảo như làm xiếc, dẫn dắt người đọc như đi trên chiếc dây giữa ảo và thực. Câu chuyện có quá nhiều tình tiết, chi tiết phức tạp, nhưng lôi cuốn người đọc không thể buông quyển sách ra khi đã “bặp” vào nó.

Tác phẩm kết cấu gồm những chương kể đan xen giữa Aomame và Tengo, đồng hiện hai dòng thời gian tựa hồ như hai sợi chỉ xe vào nhau, càng về cuối càng chặt và xe cả hồn phách người đọc vào đó.

Thông qua “1Q84”, tác giả báo động một xã hội phát triển “mất cân đối”, nhưng cũng đồng thời vạch ra sai lầm những cải cách nửa vời, khi sử dụng sức mạnh của kinh tế tư bản để xây dựng xã hội mất định hướng về tư tưởng,

văn hóa, xa rời tín ngưỡng truyền thống Nhật Bản. Một dân tộc vốn rất tín ngưỡng nhưng không bao giờ cuồng tín, luôn an nhiên, chia sẻ buồn vui cuộc đời một cách cân bằng giữa Thần đạo (Shinto) và Phật giáo (Bưkkyo).

Cho nên, khi một giáo chủ có bản năng lãnh đạo, giỏi quản trị và khoa học, đã tách ra khỏi đô thị dẫn tập đoàn người về nông thôn xây dựng những mô hình công xã rất thành công, gần giống như những kibbutz của Israel. Nhưng khi bị trói buộc bởi sự cuồng tín, chúng nhanh chóng biến thành những “quái thai” của xã hội.

Trong bức tranh xã hội “tối mù” đầy rẫy tội ác, khủng bố, những lớp trẻ hoang mang cùng cực, chỉ biết làm tình như robot, thì tình yêu đã trở thành luồng sáng soi rọi cho những linh hồn lạc lối.

Do đó, xuyên suốt tác phẩm là cảm giác nhẹ nhõm, bởi những cảm xúc chân thành, sự rung động thánh thiện vượt lên trên những dục vọng của xác thịt.

Một trong những đặc tính làm nên sự lôi cuốn trong mọi tác phẩm của Mưrakami, đó là kiến thức sâu sắc và sự đam mê mãnh liệt của ông về âm nhạc. Cả sự hiểu biết đáng kinh ngạc của vốn sống, về văn hóa, lịch sử cũng như độ sành sỏi một cách tinh tế về ẩm thực.

Nói chung, tôi yêu mọi tác phẩm đã đọc của Mưrakami và luôn háo hức chờ mong những gì ông định viết. Mưrakami- nhà văn lớn, có sức sáng tạo phi thường!

Thông qua “1Q84”, Mưrakami báo động một xã hội phát triển “mất cân đối”, nhưng cũng đồng thời vạch ra những cải cách nửa vời, khi sử dụng sức mạnh của kinh tế tư bản để xây dựng xã hội mất định hướng về tư tưởng, văn hóa, xa rời tín ngưỡng truyền thống Nhật Bản.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG