Tiểu thuyết Cô Mặc Sầu - Nơi tìm lại hay đánh mất chính mình

Cập nhật, 14:51, Chủ Nhật, 11/10/2015 (GMT+7)

Nguyễn Đình Tú là một nhà văn trẻ, anh sinh năm 1974. Với cương vị một người làm công tác quản lý văn nghệ (anh hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội), anh vẫn có sức sáng tác đều đặn và trong gia tài văn chương, đã kịp có tám cuốn tiểu thuyết.

Z032_images585545_CN4d.jpg
Z032_images585545_CN4d.jpg

Trước khi ra mắt tiểu thuyết Cô Mặc Sầu, Nguyễn Đình Tú đã cho ra đời bảy cuốn tiểu thuyết về nhiều chủ đề khác nhau. Sức viết dồi dào, nhưng điểm đáng ghi nhận nhất ở tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, đó là sự thu hút độc giả. Đây là điều không dễ có ở những nhà văn đương đại.

Từ Nháp, đến Phiên bản (được chuyển thể thành bộ phim đình đám Hương Ga), Hồ sơ một tử tù hay Xác phàm… ngòi bút của Nguyễn Đình Tú thể hiện rõ tính chất thế sự, chạm thẳng vào những vấn đề gai góc nhất của đời sống xã hội hiện nay.

Cô Mặc Sầu là cuốn tiểu thuyết thứ tám của Nguyễn Đình Tú. Cuốn sách đã đoạt giải B Cuộc thi Viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (2012-2015) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Tiểu thuyết vừa được Nhà xuất bản Công an Nhân dân phát hành.

Cuốn sách được viết dưới dạng một tiểu thuyết vụ án, mở màn bằng ba vụ án tại thung lũng Cô Mặc Sầu, một vùng núi rừng của tỉnh Yên Châu. Đan xen vào ba vụ án đó là số phận của những nhân vật tưởng chừng như không có liên quan với nhau, chỉ tình cờ gặp nhau, đi chung với nhau một đoạn đường, sống chung với nhau vài ngày, vài tuần.

Đó là Khoa, cậu sinh viên ngành nhân học tìm đến nơi sinh sống của người Vị, một dân tộc ít người ở Yên Châu để điền dã làm luận văn tốt nghiệp; là Triều, cậu sinh viên nghiện hút con của một gia đình gia thế; là cặp đôi chênh lệch tuổi tác người mẫu Hà Duy và nữ Việt kiều Roy Trần; là hai người tự xưng là lái trâu Long và Hùng; là cô sinh viên người Australia gốc Việt Min Hawke; là bà lão trăm tuổi Tất Nhưng người Vị…

Cô Mặc Sầu từng là trọng điểm của những vụ buôn bán ma túy. Ba vụ án mạng giết ba người đàn ông Vị xảy ra mà không lý giải được. Và trong số những nhân vật trên, ai lên Cô Mặc Sầu có mục đích bất chính? Lời giải đáp đến vào cuối tác phẩm, thật bất ngờ, làm cho độc giả phải kinh ngạc.

Nhưng Cô Mặc Sầu không chỉ là một cuốn tiểu thuyết mang tính chất hình sự, vụ án. Đó còn là một tiểu thuyết tâm lý xã hội, tiểu thuyết về phong tục, địa lý, cho dù chỉ là hư cấu. Nhiều nhân vật được Nguyễn Đình Tú lấy cảm hứng từ xã hội thực tại, đó là sự ăn chơi, hút chích của một thế hệ thanh niên, là mối tình chênh lệch tuổi tác của giới showbiz…

Và mỗi nhân vật đều đến Cô Mặc Sầu với một mục đích khác nhau. Ở đấy, có thể họ đạt được mục đích, có thể họ tìm đến với cái chết như một sự giải thoát khỏi những trầm luân, u uất mà từng trải qua trên cõi đời này.

Tiểu thuyết Cô Mặc Sầu là tiểu thuyết của sự cô đơn. Nỗi cô đơn thấm đậm cõi nhân sinh này. Nỗi cô đơn tràn ra từng trang giấy. Không gian của Cô Mặc Sầu là không gian cô đơn. Mỗi nhân vật đều cô đơn trong hành trình của mình lên đến Cô Mặc Sầu. Khoa cô đơn đi điền dã một mình, Hà Duy cô đơn bên cạnh người phụ nữ chênh lệch tuổi tác Roy Trần, Min cô đơn đi tìm lại nguồn gốc xuất thân của mình, Triều cô đơn đi tìm khoái lạc trần gian...

Thời gian trong Cô Mặc Sầu cũng là thời gian cô đơn với những đối thoại tâm lý và độc thoại nội tâm xen kẽ của các nhân vật. Một biểu trưng của thời gian cô đơn là bà cụ Tất Nhưng, con người hơn một trăm tuổi, sống cô đơn chờ đợi một ngày cô chắt gái quay về.

Nguyễn Đình Tú đã đưa nhiều đoạn thơ của Fan Tuấn Anh vào như là một biểu hiện của liên văn bản. Ở bề nổi, những vần thơ giúp chúng ta thấy được tính cách của nhân vật chính Khoa, thấy được nỗi cô đơn cùng cực của một thanh niên trẻ đã mất hết niềm tin vào cuộc sống và chỉ có chuyên ngành Nhân học là như một sợi dây níu kéo Khoa đứng vững lại với đời. Nhưng chìm sâu dưới bề mặt con chữ những câu thơ là sự thảng thốt, là nỗi bi thương, là cái tâm bất an của con người trước cõi đời rộng lớn và vô thường, vô minh này.

Tiểu thuyết Cô Mặc Sầu là tiểu thuyết dồn nén cả về mặt không gian và thời gian. Không gian tập trung vào nơi chốn người Vị sinh sống, thung lũng Cô Mặc Sầu và thị trấn Mù Pan Tẩn.

Thời gian dồn nén chỉ trong vòng một vài tuần lễ. Đây là một kiểu kết cấu đa tuyến, vừa sống động những hành động của nhân vật, vừa nghiêm túc, trầm lắng của những báo cáo công an.

Đưa những báo cáo hành chính vào tiểu thuyết là điều không mới, nhưng cái hay của Nguyễn Đình Tú ở đây là sau những dòng báo cáo khô khan, vô hồn cung cấp thông tin về nhân vật, lại làm nổi bật lên những số phận con người.

Một kết cấu đa tuyến, nhiều chiều với thơ, báo cáo và văn xuôi, nhưng lại không hề riêng rẽ, tách rời, mà gắn kết với nhau, tạo cho tiểu thuyết Cô Mặc Sầu một sức hút riêng, khiến cho người đọc có thể cầm cuốn sách mà đọc một mạch đến dòng cuối cùng.

Những kiến thức về Nhân học, về phong tục tập quán của dân tộc ít người cũng được Nguyễn Đình Tú đưa vào với dung lượng vừa đủ, không tham lam thông tin, nhưng lại làm cho cuốn tiểu thuyết Cô Mặc Sầu thêm phần đặc sắc và cuốn hút.

Xếp lại trang cuối cùng của cuốn sách là một cảm giác vừa nhẹ nhõm và trĩu nặng. Nhẹ nhõm vì thủ phạm đã được vạch mặt, bị bắt giữ. Trĩu nặng vì những cái chết do tự bản thân nhân vật gây ra. Phải chăng khi con người ta cô đơn cùng cực, khi họ nhìn xã hội với con mắt của những kẻ mang quá nhiều tổn thương thì cái chết chính là sự đánh mất mình, nhưng cũng lại là sự giải thoát lớn nhất.

Dù là tìm lại hay đánh mất chính mình, không thể phủ nhận, sau chuyến đi đến thung lũng Cô Mặc Sầu, những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết không còn cô đơn nữa.

Những người sống cũng vậy, mà những người chết cũng vậy. Cô Mặc Sầu, thung lũng biểu tượng cũng như loại hoa dạ thảo phong rực rỡ xuyên suốt tác phẩm cho thấy bi kịch nào rồi cũng có thể kết thúc lạc quan.

Theo http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2015/10/399025/