Tăng tuổi hưu là tất yếu

Cập nhật, 05:24, Thứ Năm, 10/05/2018 (GMT+7)

Đề án cải cách chính sách BHXH trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) có rất nhiều nội dung cải cách và điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong số đó. Theo đó, dự kiến điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên 62 với nam và 60 với nữ.

Theo lý giải của Ban soạn thảo đề án, việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của tất cả các nước có cơ cấu dân số già để phù hợp với các điều kiện kinh tế- xã hội, nhân khẩu, sức khỏe… chứ không phải chỉ là để tránh vỡ quỹ hưu trí.

Vì vậy, “có ý kiến cho rằng mục đích tăng tuổi hưu để tránh vỡ quỹ là hết sức sai lệch, gây hoang mang cho người lao động- những người đang và sẽ tham gia đóng góp cho hệ thống BHXH, trong đó có hệ thống hưu trí”- Ban soạn thảo đề án khẳng định.

Luồng ý kiến “phản biện” cho rằng kéo dài tuổi hưu sẽ khiến lao động trẻ mất cơ hội. Nhưng theo Ban soạn thảo đề án, tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất giúp việc tăng tuổi hưu không gặp sốc về việc làm.

Vì khi có tăng trưởng thì không chỉ lao động trẻ có việc mà cả lao động cao tuổi cũng có cơ hội việc làm và vì thế mà không có sự thay thế.

Trong bối cảnh già hóa dân số, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một xu thế tất yếu của tất cả các nước, không riêng Việt Nam.

Hiện nay, nhiều quốc gia có kỳ vọng sống (tuổi thọ sau tuổi 60 đối với nam, sau 55 tuổi đối với nữ) thấp hơn Việt Nam nhưng đều đã có kế hoạch điều chỉnh tuổi nghỉ hưu như: Indonesia đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2043; Hàn Quốc đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2034; Nhật Bản đạt tuổi nghỉ hưu 65 vào năm 2030…

Tăng tuổi nghỉ hưu cũng để phù hợp với sự thay đổi về nhân khẩu học. Việt Nam đang có tốc độ già hóa thuộc nhóm nhanh nhất trên thế giới, số người già trên tuổi 60 sẽ tăng từ 9,2 triệu người năm 2015 lên 30 triệu người năm 2057.

Phương án xin ý kiến Trung ương về tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình phù hợp để vừa đạt mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, vừa thu hẹp dần khoảng cách về giới trong tuổi nghỉ hưu.

Ban soạn thảo đề án khẳng định: “Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đối với nước ta là tất yếu”. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cần có tầm nhìn dài hạn và phải có lộ trình, tránh gây sốc và xáo trộn thị trường lao động.

Song song đó, quỹ lương hưu phải được công khai minh bạch, cho người dân thấy họ đóng bao nhiêu, tồn tích bao nhiêu và được hưởng bao nhiêu, được quản lý thế nào.

Có một thực tế, không ít người lao động cho rằng lương hưu không bằng gửi tiết kiệm. Đó là cách tính toán sai lầm. Nên hiểu lương hưu là của để dành, được Nhà nước bảo hộ, bảo tồn tăng trưởng và bảo vệ giá trị đồng tiền.

HOÀNG HÀ