"Món quà" dành cho doanh nghiệp

Cập nhật, 05:12, Thứ Ba, 15/05/2018 (GMT+7)

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, được đánh giá là đã tạo bước đột phá trong phương thức quản lý an toàn thực phẩm khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Có thể nói Nghị định 15 chính là “món quà” đầy ý nghĩa mà Chính phủ dành cho cộng đồng doanh nghiệp, là dấu chấm hết cho quá trình gian khổ, hết sức hành chính, hình thức của các doanh nghiệp.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên hết, nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nghị định tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, nhưng không buông lỏng quản lý, cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm.

Song, không có nghĩa là muốn công bố thế nào cũng được, muốn quảng cáo ra sao cũng tùy, mà doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm nhưng vẫn phải chịu sự hậu kiểm của cơ quan chức năng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng sản xuất.

Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ trong trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ, ngành, tránh chồng chéo trong quản lý (mà một đại biểu Quốc hội từng ví von “3 bộ quản một mâm cơm”) nhưng nâng cao hiệu quả thực hiện. 

HOÀNG HÀ