Lên "tăng xông"!

Cập nhật, 05:30, Thứ Sáu, 18/05/2018 (GMT+7)

Tăng thuế môi trường xăng dầu, tức là tăng giá xăng... Khi các mặt hàng xăng dầu tác động đến chi phí vận tải thì từ cây đinh, con tán cho đến con cá, ký đường cũng theo đó mà tăng giá. Xăng dầu đồng hành với đời sống xã hội là vậy! Thế nên, người tiêu dùng lại lên… “tăng xông” mất thôi!

Bởi vậy, nói về dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, nhiều người lo ngại nó sẽ tác động ngược đến đời sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ này đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ mức 3.000 đ/lít lên kịch khung 4.000 đ/lít; các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đ/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Bộ Giao thông Vận tải thì cho rằng điều này ảnh hưởng đến các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải logistics.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cảnh báo khi tăng thuế thì người chịu tác động mạnh mẽ nhất là người dân, doanh nghiệp; hàng hóa sản xuất trong nước sẽ giảm khả năng cạnh tranh.

Bộ Xây dựng cho rằng tăng thuế phải đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và lợi của người dân, doanh nghiệp. Bộ Công thương cho rằng phải xem xét, tính toán cẩn trọng khi tăng thuế, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói bản chất của việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường là nhằm mục đích bù đắp cho ngân sách nhà nước và chi cho nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có chi bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, cái chính yếu là nên cân nhắc, có lộ trình cụ thể và trước mắt cần đảm bảo giá xăng trong nước không biến động lớn, gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng. 

HOÀNG HÀ