Chủ động ứng phó cao điểm hạn mặn

Cập nhật, 18:22, Thứ Hai, 25/03/2024 (GMT+7)

(VLO) Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến hết mùa hạn mặn năm 2024, ĐBSCL chịu ảnh hưởng của 4 đợt xâm nhập mặn tăng cao. Qua đó, khuyến cáo các địa phương cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo và có các biện pháp chủ động ứng phó.

Đang vào cao điểm hạn mặn, các cống ngăn mặn được nhiều địa phương theo dõi điều chỉnh nước ra vào hợp lý.
Đang vào cao điểm hạn mặn, các cống ngăn mặn được nhiều địa phương theo dõi điều chỉnh nước ra vào hợp lý.

Mặn khả năng tiến sâu nội đồng

Từ nay đến 28/3 được dự đoán cao điểm của đợt hạn mặn đầu tiên. Các đợt tiếp theo diễn ra từ ngày 8-14/4, 23-28/4 và 6-12/5. Trong đó, đợt xâm nhập cao nhất từ ngày 8-14/4 khả năng tiến sâu nội đồng. Tại sông Vàm Cỏ nước mặn dự báo sẽ vào sâu 80-95km.

Đợt xâm nhập sâu nhất tính từ đầu mùa khô đến nay xuất hiện từ ngày 8-13/3 với ranh mặn 4g/l vào sâu 40-66km, có nơi sâu hơn, ranh mặn 1g/l tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76km.

Tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng thủy văn, từ ngày 24-30/3 mực nước trên sông Mekong xuống chậm. Dòng chảy qua Cần Thơ, Mỹ Thuận ở mức nhỏ hơn trung bình nhiều năm.

Độ mặn lớn nhất trên sông Cổ Chiên và sông Hậu tuần qua xuất hiện mức thấp. Trên sông Cổ Chiên (trạm Nàng Âm) 2,6‰ Vũng Liêm 1,9‰; sông Hậu (trạm Tích Thiện) 0,6‰, Trà Ôn 0,2‰…

Theo dự báo, từ nay tới cuối tháng 3, sang tháng 4 khu vực ĐBSCL ít xuất hiện mưa, trong khi nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt chung cao và mặn vẫn tiếp tục xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực.

Trong thời gian này, vùng thượng ĐBSCL (gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ) mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm nên khó khăn cho bơm tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Vùng giữa và khu vực ven ĐBSCL (gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, ranh mặn 4g/l có thể vào 50-60km.

Các địa phương cần tranh thủ lấy nước ngay khi mặn còn thấp ở vùng giữa và ven biển. Riêng, khu vực ảnh hưởng mặn sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc các tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang, dự báo mặn cuối tháng 3 lên cao với ranh mặn 4g/l vào sâu từ 50-55km, các địa phương này cần tăng cường giám sát mặn và vận hành hợp lý các công trình đảm bảo nước cho sản xuất.

Nông dân chủ động ứng phó

Nông dân chủ động nạo vét kinh mương trữ nước ngọt.
Nông dân chủ động nạo vét kinh mương trữ nước ngọt.

Xã Thanh Bình (Vũng Liêm) là một trong những địa phương trọng điểm khi mặn xâm nhập theo hướng sông Cổ Chiên và sông Bang Tra.

Theo đó, địa phương dự báo, nếu độ mặn xảy ra mức 2-5‰, toàn bộ hơn 1.200 ha trồng cây đặc sản như sầu riêng, bưởi da xanh…có khả năng thiếu nước tưới. Nồng độ vượt trên 1‰ nhà máy nước sẽ ngưng cung cấp, đồng thời sẽ có hơn 3.000 hộ bị ảnh hưởng.

Để chủ động, từ giữa tháng 2, địa phương đã xây dựng kịch bản ứng phó với 2 phương án cụ thể. Đó là, trường hợp mặn xâm nhập mức độ nhẹ (vàm Bình Thủy 0.3‰ vàm Thanh Lương 0.2‰…) thực hiện đóng các nắp cống, bọng ngăn mặn các ấp ven sông Cổ Chiên, sông Bang Tra.

Trường hợp mặn tăng cao (vàm Bình Thủy 3‰, vàm Thanh Lương 2,5‰…) sẽ đóng toàn bộ các cống, bọng trên địa bàn; thông tin, vận động người dân không lấy nước trực tiếp dưới sông rạch tưới vườn cây, đồng thời tổ chức lực lượng bảo vệ đê bao, cống bọng…

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình- Nguyễn Văn Trung cho biết, địa phương rất chủ động trong xây dựng các phương án ứng phó hạn mặn.

Cụ thể, thường xuyên kiểm tra đo độ mặn ở các vàm, khi có mặn sẽ thông báo rộng rãi trên các kênh Zalo, Facebook để bà con kịp thời nắm bắt.

Đồng thời thông báo cho bà con kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, cống ngăn mặn, nạo vét kênh mương, trữ ngọt.…Vì thế, 3 cống hở trên địa bàn xã đến nay đóng, mở an toàn, phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, trữ ngọt.

Chú Phẩm Văn Tiếu (ngụ ấp Lăng- xã Thanh Bình) cho hay, việc thường xuyên cập nhật tình hình độ mặn giúp chú chủ động hơn trong việc trữ ngọt đảm bảo nước tưới tiêu cho 5.000m2 vườn cây ăn trái của mình.

“Tôi đã chuẩn bị các mương trữ nước để tưới, riêng nước tưới trái tôi trữ trong bồn để phòng ngừa nhiễm bệnh cho cây trái, và áp dụng tưới nhỏ giọt nên cũng không quá không lo về xâm nhập mặn nữa.”- chú Tiếu cho biết thêm.

Tại huyện Long Hồ, công tác ứng phó hạn mặn cũng được nhiều bà con quan tâm. Ông Lê Văn Thòn (ấp Bình Hòa 2- xã Bình Hòa Phước) cho biết, để bảo vệ 3.000m2 trồng chôm chôm của gia đình, ngay từ cuối năm 2023 ông đã nạo vét kênh mương sẵn sàng trữ nước ngọt, sửa chữa các nắp bọng quanh vườn và theo dõi diễn biến mặn thông qua tin nhắn trên điện thoại.

“Tui dọn kênh, mương sạch sẽ, kiểm tra nắp bọng, khi ngoài trạm có tin báo mặn tui lấy máy thử nước ngay miệng bọng. nếu chưa mặn thì mình mở nắp cho nước vô trữ lại liền. Đồng thời, tiết kiệm nước tui áp dụng tưới nhỏ giọt, ngày tưới ngày nghỉ cũng nên đến giờ vẫn không có gì phải lo lắng hết.”- ông Thòn chia sẻ.

Trưởng ấp Bình Hòa 2- Nguyễn Ngọc Đệ cho biết, đa số ở đây bà con trồng cây ăn trái, cây đặc sản “mẫn cảm” với nước mặn, nên nếu bị “tấn công” sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Vì vậy, công tác phòng chống hạn mặn hàng năm rất là được quan tâm và được địa phương cũng như nhà vườn chủ động triển khai từ rất sớm. Địa phương tổ quản lý các cống, bọng, kiểm tra và theo dõi diễn tiến mặn để kịp thời thông tin đến bà con thông qua tin nhắn, loa phát thanh của xã.

Việc đo độ mặn cũng được Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thực hiện từ 8 trạm đo mặn cố định và cũng được thông tin nhanh qua hệ thống tin nhắn SMS đến gần 1.800 đầu số là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện, xã; đồng thời được phát trên sóng phát thanh và sóng truyền hình để mọi người dân, các tổ chức sản xuất biết, chủ động ứng phó.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Vĩnh Long cho biết, từ đầu mùa khô đã tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ nước ngọt và tổ chức thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong ứng phó trường hợp hạn mặn bất thường nhằm đảm bảo cho sản xuất và đời sống người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 8/3/2024 về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL và Công văn số 1713/BNN-TL ngày 11/3/2024 của Bộ Nông nghiệp-PTNT về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các giải pháp ứng phó đợt cao điểm nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt và ảnh hưởng tới sản xuất trong các tháng còn lại của mùa khô năm 2023-2024. Tăng cường theo dõi, thông tin diễn biến và dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn. Chỉ đạo xuống giống vụ Hè Thu theo đúng kế hoạch, khuyến cáo người dân không xuống giống lúa và rau màu ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, chỉ tổ chức xuống giống khi nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định. Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Trong đó, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác…

Bài, ảnh: N.HOÀNG-N.LIỄU

Các tin khác: