Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành khí tượng thủy văn

Cập nhật, 16:37, Thứ Sáu, 22/03/2024 (GMT+7)

(VLO) Thời gian qua, để công tác thông tin dự báo, cảnh báo được nhanh chóng, kịp thời, ngành khí tượng thủy văn (KTTV) đã đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số (CĐS) để nâng cao hiệu quả, chất lượng, phục vụ hiệu quả cho công tác ứng phó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

 

Chuyển đổi số trong ngành KTTV giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng, phục vụ hiệu quả cho công tác ứng phó thiên tai.
Chuyển đổi số trong ngành KTTV giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng, phục vụ hiệu quả cho công tác ứng phó thiên tai.

Ứng dụng CĐS nâng chất lượng dự báo

Nhờ ứng dụng kịp thời và hiệu quả các thành tựu tiến bộ khoa học, thành quả của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, ứng dụng CĐS vào trong các hoạt động, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng được nâng cao; các bản tin dự báo, cảnh báo ngày càng tin cậy, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế địa phương.

Tại Vĩnh Long, cùng với ngành KTTV trong nước, Đài KTTV tỉnh đã từng bước ứng dụng các công nghệ cao và CĐS trong hoạt động quan trắc, thu thập, lưu trữ thông tin, dữ liệu và dự báo, cảnh báo KTTV, từ đó, công tác dự báo, cảnh báo của ngành KTTV đã có những chuyển biến rõ rệt cả về lượng và chất.

Anh Trần Quốc Vỹ- dự báo viên cho hay: Hiện nay, nhờ dữ liệu được kết nối, chia sẻ trên hệ thống dùng chung nên rất chủ động khai thác dữ liệu. Đặc biệt, các thông số được cập nhật, lưu trữ, sắp xếp khoa học đã tạo nên hệ thống dữ liệu chi tiết theo từng khoảng thời gian mà dự báo viên cần.

Dựa vào kết quả này, kết hợp với dữ liệu quan sát thông qua ảnh mây vệ tinh và mô hình dự báo số của châu Âu, Mỹ, Nhật cùng kinh nghiệm của mình, các dự báo viên sẽ đưa ra được bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất.

Như trước đây phải mất từ 30 phút để cập nhật thông tin số liệu cho 1 bản tin dự báo hàng ngày thì hiện nay chỉ tốn khoảng 5 phút, vừa nhanh vừa chính xác, không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn ít tốn nhân lực.

Theo ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài KTTV tỉnh, CĐS trong ngành KTTV đã đánh dấu bước phát triển, tiến bộ mới.

Theo đó, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hoạt động quan trắc, thu thập, lưu trữ thông tin, dữ liệu và dự báo, cảnh báo KTTV. Hiện tỉnh có gần 20 trạm đo mưa, 2 trạm đo mực nước và 1 trạm đo khí tượng. Nếu như trước đây chỉ dự báo thời tiết được 5- 7 ngày tiếp theo, thì hiện nay có thể dự báo 1 tháng tới.

“Trước đây, giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, hầu hết việc quan trắc các yếu tố KTTV đều hiện bằng thủ công, như quan trắc mực nước phải có 3 nhân viên thay phiên lấy thông tin, đọc thông số thủ công dẫn đến không chính xác không cao, không có tính liên tục, số liệu gửi đến các cơ quan qua đường bưu điện, không kịp thời cập nhật số liệu thì nay nhờ áp dụng công nghệ, CĐS, hầu hết số liệu qua trắc đã được tự động hóa, có thể truy cập dữ liệu trong thời gian thực.

Qua đó, đã mang lại những hiệu quả trong công tác quan trắc, truyền tin và phục vụ hiệu quả dự báo, cảnh báo KTTV cả về lượng và chất cũng như đa dạng hóa hình thức thông tin hướng đến từng đối tượng sử dụng, giúp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác hơn” - ông Giang cho biết thêm.

Tiếp tục nỗ lực, nâng cao hiệu quả dự báo

Theo Đài KTTV tỉnh, với các hiện tượng thời tiết thủy văn bình thường, Đài sẽ phát đi các bản tin dự báo thường ngày.

Khi có dấu hiệu hình thái thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, nắng nóng, ngập lụt, xâm ngập mặn… đơn vị sẽ đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo chi tiết với những tần suất khác nhau theo quy định hoặc yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Trong đó, việc ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn giúp tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống nhận diện, hỗ trợ dự báo và cảnh báo một số hiện tượng khí tượng khí tượng thuỷ văn nguy hiểm.

“Thời gian qua, Đài KTTV tỉnh cũng đã ứng dụng một số giải pháp công nghệ mới, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giúp nâng cao hiệu suất làm việc, năng lực dự báo, cảnh báo, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.

Trung bình, mỗi năm, Đài KTTV cung cấp trên 150 bản tin mưa dông, 30 bản tin hạn mặn, trên 30 bản tin ngập lụt, 30 bản tin nắng nóng. Theo đó, chất lượng dự báo các bản tin đạt từ 75- 90%. Riêng từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của El Nino, khiến thời tiết nắng nóng kéo dài, Đài đưa ra cảnh báo thường xuyên, đến nay đã có 25 bản tin dự báo nắng nóng”- ông Giang cho hay.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KTTV, ông Giang cho biết: sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng CĐS, ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến; hoàn thiện phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu KTTV, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng KTTV nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản với độ tin cậy, chính xác cao.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của dự báo viên để thông tin kịp thời, chính xác. Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác KTTV, bảo đảm chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Bộ Tài nguyên-MT vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa ngành KTTV đến năm 2025 và thời kỳ 2026 - 2030”. Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, về công nghệ thông tin và CĐS KTTV, ngành phát triển công nghệ thông tin KTTV bao gồm: hạ tầng số, dữ liệu số và nền tảng số; đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Hoàn thành CĐS lĩnh vực KTTV; số hóa tư liệu giấy KTTV; tăng cường năng lực tính toán chuyên ngành KTTV của hệ thống…

Bài, ảnh: THẢO LY

Các tin khác: