Xã vùng ven đổi mới từng ngày

Cập nhật, 05:41, Thứ Tư, 18/09/2019 (GMT+7)

Khi mới giải phóng, xã Long Phước (Long Hồ) hầu như nhà nào cũng thiếu ăn từ 3- 6 tháng trong năm và hệ thống giao thông, điện, nước máy hầu như không có. Ghi nhớ lời Di chúc của Bác Hồ: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, Long Phước đã xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM) với thu nhập không ngừng nâng cao, giao thông đảm bảo xe 4 bánh đến các ấp, tỷ lệ sử dụng nước máy và điện đạt 99- 100%.

Đây là nỗ lực rất lớn của xã vùng ven TP Vĩnh Long trên bước đường đổi mới và hướng đến xây dựng NTM nâng cao.

Đời sống người dân xã Long Phước ngày càng khấm khá hơn.
Đời sống người dân xã Long Phước ngày càng khấm khá hơn.

Từ thiếu ăn đến thu nhập 41,39 triệu đồng/người/năm

Năm 1969, địa phận xã Long Phước thuộc một phần của xã Long Hồ và xã Phước Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long trước đây).

Tháng 9/1969, giữa lúc quân và dân ta đang nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh cuộc kháng chiến cứu nước thì Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Chi bộ xã Long Hồ và xã Phước Hậu đã tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay trong lòng địch, có nhà dân đã tổ chức cúng cơm, thờ chung với bàn thờ tổ tiên (không dám đặt ảnh vì sợ địch phát hiện), hàng năm tổ chức cúng giỗ vào ngày 2/9…

Toàn Đảng, toàn dân cũng đã “biến đau thương thành hành động” giành lấy độc lập tự do, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Tháng 3/1977, xã Long Hồ và Phước Hậu sáp nhập với tên mới là xã Long Phước. Qua điều chỉnh địa giới hành chính và 2 đợt chia tách ấp, đến nay xã Long Phước có 9 ấp với 1.289ha.

Mặc dù chỉ bước đầu nắm chính quyền nhưng chi bộ Đảng và UBND xã đã có sự chỉ đạo sâu sát theo di nguyện của Bác Hồ “Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thành quả là, từ việc nhà nào cũng thiếu ăn 3- 6 tháng trong năm trở nên ổn định lương thực.

Sau ngày giải phóng (30/4/1975), đa số người dân xã Long Phước sống bằng nghề nông (chỉ sản xuất 1 vụ lúa, năng suất rất thấp) và lao động nhàn rỗi rất nhiều.

Một bộ phận lao động của xã, nhất là ở ấp Long Thuận và Long Thới do không có đất nên chủ yếu làm thuê, làm mướn, mua bán ve chai. Mức thu nhập người dân rất thấp và không ổn định.

Nhờ được chi bộ đảng lãnh đạo, chỉ đạo, đến năm 1985 đã có 90% diện tích sản xuất 2 vụ lúa/năm với giống lúa chất lượng, năng suất cao gấp 2- 3 lần.

Bên cạnh, thông qua việc đưa hàng trăm lao động đắp bờ vùng, từng bước chủ động tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và vận động nhân dân đưa màu xuống ruộng, phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ…

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,39 triệu đồng/năm và hộ khá giàu không ngừng được tăng lên. “Thành quả đạt được đó chính là sự chung sức, chung lòng của người dân trong xây dựng NTM”- ông Nguyễn Thanh Tú- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM xã- nhận định.

Chung sức, chung lòng xây quê hương đổi mới

Hồi đó, hệ thống giao thông của xã Long Phước hầu như không có. Sau ngày giải phóng chi bộ và chính quyền tập trung đầu tư khôi phục lại các tuyến đường, sửa chữa lại số cầu bị hỏng do chiến tranh, lũ lụt. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên hầu hết đường đi là đường đất nhỏ hẹp và nhiều cầu tre.

Song, nhờ phát huy bài học sáng tạo trong kháng chiến, chi bộ xã đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng để đẩy mạnh phong trào quần chúng ở xã. 

Trong xây dựng NTM với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Đảng bộ xã đã vận dụng nhiều hình thức để huy động vốn trong dân xây dựng hạ tầng nông thôn.

Đến nay, đã xây mới và nâng cấp 8 tuyến đường liên xã dài 14,7km, đường liên ấp dài 7,6km, bắc mới 5 cây cầu. Nhờ vậy, xe 4 bánh đi lại dễ dàng tại các ấp, giúp xã sớm hoàn thành tiêu chí giao thông và đã kéo điện thắp sáng, lắp camera an ninh trên tất cả tuyến đường liên ấp.

Trên tuyến đường Nguyễn Thị Nhỏ (dài 5.000m qua ấp Long Thuận A và Long Thuận B) đang được đầu tư bơm cát, chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Thành Đắc (ấp Long Thuận B).

Ông Nguyễn Thành Đắc đã hiến 250m2 đất để cùng Nhà nước xây đường giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Thành Đắc đã hiến 250m2 đất để cùng Nhà nước xây đường giao thông nông thôn.

Bên tách trà, ông Đắc cười tươi: “Nhà nước đầu tư làm đường, mình hiến đất chứ đâu có thiệt thòi gì”. Rồi ông kể, “khi họp dân nghe nói Nhà nước chuẩn bị làm đường thì dân mình mừng lắm vì ngàn đời ông cha mình mới có được”.

“Phần đất này, trước đây tui trồng xoài, trồng dừa, nếu để đó cũng có thu nhập chút đỉnh”- ông Đắc kể, nhưng khi Nhà nước vận động hiến đất để mở rộng, nâng cấp mặt lộ lên thì ông đã gật đầu cái rụp hiến 250m2 đất. Không những vậy, ông còn vận động các hộ lân cận cùng đồng ý để công trình sớm thi công.

Theo ông Đắc, tuyến đường này trước đây là đường đan, đã xuống cấp trầm trọng. Nhờ sự đồng thuận của gần 200 hộ dân mà tuyến đường được thi công nhanh chóng, ngày bơm cát lên lộ ai cũng mừng. “Đất mình hiến thì cũng còn nằm đó, đường này cũng mình đi chứ đâu có mất mát gì”- ông Đắc khẳng khái nói.

Anh Nguyễn Đức Thắng- con trai ông Đắc- cho biết thêm, trên đoạn đường này có 3 hộ phải giải tỏa trắng, nhưng khi dọn đi ai cũng phấn khởi vì trước đây họ luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ cảnh sạt lở.

Khi di dời thì Nhà nước tạo điều kiện cho tái định cư phân tán và hỗ trợ cất nhà thông qua nguồn tài trợ của một tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Theo ông Đắc, qua 50 năm thực hiện lời Di chúc của Bác về “… ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”: “Giờ nhìn lại tôi thấy quê hương mình đổi thay nhiều quá vì tất cả giờ đã được điện khí hóa, cơ giới hóa, làm ruộng, cắt cỏ giờ có máy móc hỗ trợ hết, nông thôn giờ cái gì cũng đầy đủ, không thua gì thành thị.

Trước đây, mỗi lẫn đi học thì toàn đi bộ, đường đất sình lầy, nước ngập lỉnh bỉnh nhưng giờ xe 15 chỗ chạy đến nhà là khỏe re”- ông Đắc nhận định- “Tính ra sự đổi thay này đã gấp trăm lần trước ngày giải phóng”.

Từ một xã không có điện, không có nước máy và có đến 1.214 người trong độ tuổi cần được xóa mù chữ, đến nay toàn xã Long Phước 100% hộ dân có điện sử dụng, hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt trên 99%. Năm 1987, xã được công nhận xóa mù chữ trong dân, được Bộ GD-ĐT và Hội đồng Bộ trưởng tặng 2 bằng khen cho công tác này. Nhiều năm liền, xã đạt chuẩn phổ cập 3 cấp độ.

 Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI