Câu chuyện nông thôn

Ngóng chờ con nước

Cập nhật, 05:41, Thứ Tư, 18/09/2019 (GMT+7)

Độ từ mưa rớt hột trở đi, mấy năm nay hay nghe bà con mình nói với nhau “sao chưa thấy con nước về”, “năm nay con nước về trễ”, hay “nước càng ngày càng kiệt rồi”. 

Chuyện con nước tràn đồng như bầu bạn mỗi năm lại đến với dân thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu. “Tình bạn” ấy đã và sẽ mỗi năm mang đến cuộc mưu sinh cơ cực nhưng đầy ắp tiếng cười, bên cá cua ốc tép...

Người dân hạ nguồn miệt Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long chúng tôi đến mùa ra chợ thấy hay chưa thấy những sản vật điển hình như cá linh, bông điên điển và mua với giá cao hay thấp là biết con nước năm nay về sớm hay muộn.

Đọc bản tin đài khí tượng thủy văn một số tỉnh thượng nguồn, nói nước đã về tuy ít nhưng cũng thấy vui trong bụng.

Ở các cánh đồng thuộc huyện An Phú, Tịnh Biên, chợ cá đêm Tha La... đã có sản vật mùa lũ. Tuy nhiên, nhiều người am hiểu con cá đồng nói rằng cá linh đầu mùa- cá linh non- năm nay ít.

Năm nay ít, năm ngoái cũng ít, nhưng âu cũng còn thấy con cá linh đầu mùa cho người miền Tây đỡ nhớ.

Dù giá bán cá linh non đầu mùa nước nổi tầm 300.000-400.000 đ/kg, nhưng đó là một sự đổi trao vui vẻ, tận hiến của nhiều ngư phủ quần quật một chiều và khách đường xa ghé qua chợ cá.

Khi nước về nhiều hơn, giá cá linh giảm lại. Nhưng nói như ý của một lão nông ở xã Vĩnh Xương (TX Tân Châu- An Giang) thì “lũ về có mang theo cá là bà con khu này mừng lắm”.

Không chỉ lão mừng, bà con vùng đầu nguồn mừng, mà cả người dân hạ nguồn cũng mừng, vì đến hẹn họ được trải nghiệm sản vật mùa lũ, cho dù ở hạ nguồn giá cá linh non thì đắt hơn hoặc con cá linh đã “già” theo con nước.

Không quá khi nói dân đồng bằng mình trông con cá linh non như trông một nguồn sản vật. Đó là sản vật quen thuộc chứa trong dòng phù sa ngầu đỏ mỗi năm.

Con nước về sớm và nhiều thì sản vật nhiều. Cùng bông điên điển mà tạo nên một nét ẩm thực dù dân dã nhưng đầy hương sắc. Nên ai ai cũng nuông chiều trông ngóng lũ, cho con cá linh về, cho bông điên điển nở...

Dù xa tít tắp đồng nước, những người như Hai Lúa tui đây vẫn như các nông dân thượng nguồn ngóng chờ lũ mỗi năm vậy!

Hailua@.com