Kết nối phố

Rối như... số nhà

Cập nhật, 13:24, Thứ Tư, 29/11/2017 (GMT+7)

Vừa rồi, người viết có dịp gặp công chức văn hóa- xã hội một phường nọ khi ông đang tất bật đánh số nhà (theo Quyết định số 08/2008/QĐ- UBND của UBND tỉnh Ban hành quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long), ông cho biết, đang… rối bởi có nhà có quá nhiều gạch chéo.

Cụ thể, theo quy định về đánh số hẻm và số nhà trong hẻm thì đường hẻm là nhánh của đường phố. Số hẻm là số của căn nhà mặt tiền đường liền kề trước.

Đường hẻm chính có thể có một hoặc nhiều nhánh rẽ bên trái hoặc bên phải, gọi là hẻm phụ. Số của hẻm phụ là số của căn nhà mặt hẻm liền kề trước đó.

Theo đó, nhà trong hẻm chính được cho số là số hẻm và số nhà, giữa số hẻm và số nhà có 1 gạch chéo (số hẻm/số nhà).

Ví dụ: Hẻm số 130 nhà số 1 thì đánh số 130/1; Nhà trong hẻm phụ được cho số gồm số hẻm chính, số hẻm phụ và số nhà có 2 gạch chéo (số hẻm chính/số hẻm phụ/số nhà).

Ví dụ: Hẻm chính số 130, hẻm phụ số 20 nhà số 2 thì đánh 130/20/2…

Tuy nhiên, đáng nói là có nhà ở quá sâu- kiểu ở tuốt trong hẻm phụ của hẻm phụ của hẻm chính, đường AB chẳng hạn, đến nỗi lên tới 3- 4 gạch chéo.

Chẳng hạn, hẻm chính số 130, hẻm phụ số 20, hẻm phụ số 14, nhà số 3 thì đánh là: 130/20/14/3. Giải thích cho “dễ tìm” là đến đường AB, tìm hẻm chính số 130, vào hẻm chính xong đi tiếp vào hẻm phụ số 20, rồi từ hẻm 20 rẽ tiếp vào hẻm phụ số 14, tìm nhà số 3 là… tới.

Tuy nhiên, ông băn khoăn ở chỗ, đối với người chưa nắm quy định này, chỉ cầm trên tay số nhà 130/20/14/3 thì e rất khó tìm.

Và quả thật, sau khi nghe giải thích của ông một hồi, cả vẽ minh họa cho dễ hình dung thì người viết cũng… rối theo.

Thiết nghĩ, các cấp địa phương cần tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng hơn quy định này để người dân làm quen hoặc ngành chức năng cần nghiên cứu thay đổi cách đánh số nhà sao cho đơn giản, dễ hiểu, dễ tìm hơn.

NAM ANH