Ứng phó sạt lở

Ưu tiên bảo vệ tính mạng người dân

Cập nhật, 09:49, Thứ Ba, 22/08/2017 (GMT+7)
Ưu tiên hàng đầu đối với công trình gia cố sạt lở bảo vệ tính mạng, tài sản người dân. Trong ảnh: Sạt lở tại đê bao Cồn Sừng (TX Bình Minh).
Ưu tiên hàng đầu đối với công trình gia cố sạt lở bảo vệ tính mạng, tài sản người dân. Trong ảnh: Sạt lở tại đê bao Cồn Sừng (TX Bình Minh).
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 55 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất 3.832m bờ bao, ảnh hưởng đến 583 hộ dân.
 
Trong khi nguồn vốn phân bổ gia cố các công trình có hạn, do đó, ưu tiên số 1 vẫn là các công trình bảo vệ tính mạng của người dân.

Trong tổng số 55 điểm sạt lở thì Mang Thít có đến 17 điểm với 470 hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong đó, điểm sạt lở lớn tại bờ bao sông Hòa Mỹ (ấp Hòa Mỹ 2, xã Mỹ An) dài 120m, chiều rộng sạt lở từ 2,5- 3m, sâu 2,2- 2,5m ảnh hưởng đến 50 hộ dân trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện thì năm nay Mang Thít tiếp tục bị sạt lở nhiều, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh. Kinh phí gia cố đang vượt ngoài khả năng của huyện nên rất cần được hỗ trợ khắc phục kịp thời.

Tại TP Vĩnh Long, tuyến đê bao ngăn lũ thuộc ấp Tân Hưng (xã Tân Hòa) đã xảy ra 1 điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng.

Điểm sạt lở ở đoạn gần Đình Tân Hoa cũ dài trên 60m, trong đó khoảng 30m nước sông đã làm sụp lở sâu hoàn toàn đường đan 2m, 30m còn lại bị nghiêng, sụp và nứt. Hiện đoạn sạt lở ở rất gần nhà dân và có nhiều khả năng tiếp tục sạt lở.

Hiện Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long đang lập dự toán để gia cố đoạn sạt lở này. Riêng dự án kè Phường 1 đang được chuẩn bị các phương án để tiến hành di dời giải tỏa để thực hiện công trình kè và có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản người dân nơi đây.

Còn tại huyện Bình Tân, gần đây đã xuất hiện đoạn sạt lở dọc sông Bà Đồng thuộc địa bàn ấp Tân Thới (xã Tân Bình), dài gần 29m.

Đến nay, đoạn sạt lở khu vực này lên đến 100m, sâu vô đất liền từ 1,5- 2,5m. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, còn xuất hiện 8 đoạn sạt lở khác tại các xã Thành Lợi, Tân Bình, Thành Trung, Tân An Thạnh. Các đoạn này sạt lở sâu vô đất liền từ 0,5- 2m.

Ông Lê Văn Phúc- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- cho biết: Thời gian qua, toàn huyện có 8 điểm sạt lở. Trong đó, đoạn sạt lở bờ bao sông Bà Đồng (xã Tân Bình) khoảng 54m. Tỉnh đã hỗ trợ 800 triệu đồng và huyện đã triển khai thi công gia cố.

Bên cạnh đó, huyện cũng trích kinh phí gia cố cừ dừa, rọ đá điểm sạt lở ở xã Tân Bình, Tân An Thạnh với nguồn vốn 240 triệu đồng. Hiện còn 6 đoạn sạt lở đang được theo dõi nhưng huyện chưa có kinh phí để gia cố.

Do ảnh hưởng của nhiều cơn mưa lớn nên từ đầu mùa mưa đến nay, TX Bình Minh đã xảy ra sạt lở 4 đoạn đê bao gồm đê bao Kinh Mới (xã Thuận An), đê bao Cồn Sừng, đập Bà Bầu và bờ bao Ông Tuấn (xã Mỹ Hòa).

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã khảo sát gia cố các đoạn bờ bao sạt lở và có khả năng bị ngập úng khi nước lũ dâng cao như tuyến đê bao Cồn Sừng, tuyến đê bao dọc tuyến sông Hậu (xã Mỹ Hòa), tuyến đê bao dọc sông Đông Thành và tuyến đê bao sông Phù Ly (phường Đông Thuận).

Nhiều đoạn sạt lở trên các tuyến đê bao này có tổng chiều dài gần 50m, đã được gia cố bằng cơ giới.

Theo thống kê, TX Bình Minh có 13 điểm sạt lở, tỉnh hỗ trợ kinh phí 458 triệu đồng khắc phục 4 điểm. Hiện điểm sạt lở trên tuyến sông Cái Vồn (phường Đông Thuận) đối diện chợ Cái Vồn, có mức độ nguy hiểm cao và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân cần được khắc phục kịp thời.

Mô hình kè mềm phòng chống sạt lở được thí điểm tại xã Long Phước (Long Hồ) có nhiều khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh.
Mô hình kè mềm phòng chống sạt lở được thí điểm tại xã Long Phước (Long Hồ) có nhiều khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- cho biết: Trà Ôn hiện có 7 điểm sạt lở huyện đang triển khai nâng cấp gia cố.

Riêng 2 điểm sạt lở trên tuyến sông Măng sạt lở rất nghiêm trọng, dài trên 1.100m. Huyện đang tiến hành khảo sát thiết kế đề nghị tỉnh hỗ trợ khắc phục tại 2 điểm sạt lở này.

Theo ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, kinh phí hỗ trợ khắc phục sạt lở đợt 1 khoảng 4,5 tỷ đồng. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, các huyện cần cân nhắc thứ tự ưu tiên đối với những công trình bức xúc, bảo vệ tính mạng của người dân được ưu tiên hàng đầu.

Ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- lưu ý đề phòng lũ triều cường vùng xung yếu Bắc Quốc lộ 1 và 8 xã cù lao, gia cố đê bao bảo vệ sản xuất dân sinh khu vực này.

Đối với công trình thủy lợi, cần được tiến hành khẩn trương nhất là ở cấp huyện, xã, chỉ đạo tích cực giải phóng mặt bằng các dự án đẩy nhanh tiến độ. Riêng giải pháp phòng chống sạt lở thì ưu tiên tại 55 điểm sạt lở và bảo vệ tính mạng tài sản người dân tại khu dân cư.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Phó Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh chỉ đạo: Các huyện đều xảy ra tình trạng sạt lở, tuy nhiên cần ưu tiên công trình có tính chất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của người dân là ưu tiên số 1.

Riêng TP Vĩnh Long sớm họp dân để trình chủ trương chính thức để có giải pháp ứng phó với tình trạng sạt lở ở chợ Phường 1 làm bờ kè, bố trí lại ki-ốt để người dân kinh doanh an toàn. Đây là công trình ưu tiên số 1 có thể đầu tư tiền vốn nhiều nhằm bảo vệ 26 hộ với hàng trăm nhân khẩu.

  • Bài, ảnh: LÊ SƠN