Mấy cái "nút thắt" nông thôn mới

Cập nhật, 13:07, Thứ Tư, 25/05/2016 (GMT+7)

Theo cách hiểu của Hai Lúa tui, thì nông thôn mới phải khác nông thôn... cũ. Ý nói là khi đã được công nhận đạt đủ 19 tiêu chí, thì cả 3 cái “nông” là: nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải thay đổi thực sự và bền lâu.

Bởi xây dựng nông thôn mới nó không phải là một “phong trào”. Do đó, mọi con số, mọi chỉ tiêu đều cần phải đúng thực chất và nó hiệu quả thật sự đối với nông thôn.

Ấy vậy mà thực tế không phải vậy, nhất là đối với miền Tây mình vốn có khá nhiều khó khăn. Thôi đi cách nói thuận miệng là vùng đất màu mỡ, giàu có, mà nhìn vào thực tế của một “vùng trũng”; mà đã “trũng” thì vẫn còn nhiều cái “nút thắt” trong xây dựng nông thôn mới.

Cái lợi thế sông ngòi chằng chịt lại hóa ra cái “yếu thế” rất lớn của đồng bằng trong xây dựng đường sá giao thông. Mà sự đầu tư vào đây còn khá khiêm tốn, đối với mọi nguồn lực. Sự đóng góp của “nông dân” là cần thiết, nhưng nó không thể là cái “đòn bẩy” chính để bật dậy được sự phát triển mạnh mẽ cho cả khu vực tương đương 20% dân số cả nước.

Thật không hay là giờ đây trong tư tưởng bà con đã có phát sinh suy nghĩ về sự “phân biệt” giữa nông thôn và thành thị, khi mà nhiều nơi đòi hỏi sự đóng góp quá sức đối với người ở nông thôn, trong khi thành thị thì “tấc đất, tấc vàng”.

Cái “nút thắt” nữa đó là có sự bất hợp lý trong các tiêu chí, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Các công trình chợ, các thiết chế văn hóa xây xong có thực sự là hiệu quả chưa? Chưa hẳn là có những trung tâm văn hóa thì có nghĩa đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao.

Còn cái “nút thắt” quan trọng nữa là mấy cháu nhỏ xứ mình học hành giỏi giang thì có bao nhiêu cháu... nhiệt tình về quê? Cái này mới đáng lo hơn cả.

Còn nhiều chuyện nữa, như vệ sinh môi trường cũng là chuyện khó đối với nông thôn miền Tây mình. Đến giai đoạn mình cần đi vào nâng cao chất lượng và cũng nên mạnh dạn tự chỉ ra những tiêu chí yếu của mình để nông thôn mình thật sự “mới”.

Hailua@.com