Phỏng vấn nhanh

Tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi

Cập nhật, 16:13, Thứ Ba, 24/05/2016 (GMT+7)

Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vừa xử phạt nhiều trường hợp hộ chăn nuôi sử dụng chất chất cấm trong chăn nuôi heo, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xoay quanh vấn đề trên

*Thưa ông, khi người tiêu dùng sử dụng thịt tồn dư chất cấm trong chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

- Ông Lê Thanh Tùng: Những chất dùng để tạo nạc trong chăn nuôi như salbutamol, clenbuterol đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi từ rất lâu nhưng hiện nay vẫn còn một số hộ chăn nuôi lén lút đưa chất này vào thức ăn nhằm giúp heo tăng trọng nhanh.

Chất này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người tiêu dùng, gây ra những rối loạn về tim mạch, thần kinh, vận động và đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử về tim mạch, tiểu đường, phụ nữ mang thai và trẻ em sử dụng lâu dài thì hệ thống miễn dịch sẽ bị giảm đi.

*Thời gian gần đây, ngành chức năng nhiều tỉnh, thành đã ra quân kiểm tra nghiêm ngặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo. Ông có thể cho biết, ngành chức năng tỉnh ta đã triển khai kiểm tra vấn đề này như thế nào?

- Ông Lê Thanh Tùng: Từ khoảng tháng 9/2015 đến tháng 5/2016, tỉnh đã tổ chức kiểm tra và cũng đã phát hiện 10 cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm, 2 cơ sở kinh doanh thuốc thú ý và thức ăn chăn nuôi có kinh doanh chất cấm và 1 cơ sở giết mổheo chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôivà chúng tôi cũng đã xử phạt những trường hợp này theo quy định.

* Nếu phát hiện các cơ sở có bán thức ăn tăng trọng và các hộ chăn nuôi có sử dụng thuốc tăng trọng thì chúng ta sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

- Ông Lê Thanh Tùng: Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, trong đó có quy định rõ hình thức xử lý các trường hợp vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và kinh doanh.

Theo đó, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt từ 5- 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ, từ 10- 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại.

Ngoài ra, buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ đối với hành vi vi phạm nêu trên, buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm. Đối với cơ sở giết mổ thì tiêu hủy toàn bộ số heo bị nhiễm chất cấm.

Đối với hành vi kinh doanh chất cấm sử dụng trong danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam thì phạt tiền từ 70- 100 triệu đồng. Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thú y từ 1- 3 tháng đối với hành vi vi phạm trên, buộc thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y, vắc- xin, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi với hành vi vi phạm trên.

*Trong thời gian tới ngành có kế hoạch như thế nào để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi?

- Ông Lê Thanh Tùng: Chúng tôi xác định việc loại bỏ và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là quá trình khó khăn và lâu dài, mặc dù trong thời gian qua đã phát hiện được nhiều vi phạm, tình hình sử dụng chất cấm có giảm đi,nhưng nếu ngừng lại có khả năng việc sử dụng chất cấm sẽ quay trở lại.

Do đó, kế hoạch của Chi cục Chăn nuôi Thú y từ đây cho hết năm 2016 là sẽ tăng cường công tác kiểm tra. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2016 tới đây, Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ áp dụng hình thức xử phạt cao hơn rất nhiều.

Ví dụ như: Điều 317 sẽ xử phạt từ 50 triệu đến 200 triệu và phạt tù từ 1 đến 5 năm đối với hành vi là sử dụng chất cấm. Chúng tôi đặc biệt chú ý công tác tuyên truyền từ đây cho đến cuối năm.

Và, hơn 1 tháng qua,chúng tôi đã tổ chức 8 buổi hội thảo, hội nghị tại các huyện, thành phố mời tất cả các chủ cơ sởgiết mổ và các thương lái đến để triển khai về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và hình thức xử phạt khi phát hiện chất cấm và sẽ tiếp tục mở các cuộc tuyên truyền cho người chăn nuôi.

Hiện nay, người chăn nuôi, thương lái, nhân viên tiếp thị và chủ cơ sở giết mổ là những người tham gia vào chuỗi sản xuất, giết mổ heo, có liên quan đến vấn đề chăn nuôi và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

* PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

TÂN NHI (thực hiện)